Cập nhật COVID sáng 6/6: Mỹ Latinh có hơn 1,05 triệu ca mắc , Việt Nam 1 ca mắc mới

06:30' - 06/06/2020
BNEWS Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ Latinh khi số ca mắc mới và số ca tử vong vẫn tăng nhanh trong 24 giờ qua (gần 27 nghìn ca và 954 ca); trong đó Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất.

Cập nhật mới nhất COVID-19 trên trang mạng worldometers.info cho biết, tính đến 6h sáng 6/6 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã bùng phát tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6,8 triệu người mắc; trong đó có gần 397 nghìn người đã tử vong.

Mỹ vẫn là nước vừa có số người mắc COVID cao nhất thế giới và tử vong cao nhất (hơn  1,95 triệu người mắc và hơn 111 nghìn ca tử vong). Đứng thứ hai là Brazil với hơn 631  nghìn ca mắc và gần 35 nghìn ca tử vong. Tiếp theo là Nga với gần 450 nghìn ca mắc và hơn 5,5 nghìn ca tử vong; Tây Ban Nha với hơn 288 nghìn ca mắc và hơn 27 nghìn ca tử vong; Anh với hơn 283 nghìn ca mắc và hơn 40 nghìn ca tử vong.

Tính đến sáng 6/6, thế giới có hơn 3,3 triệu bệnh nhân khỏi bệnh trong khi vẫn còn 2% bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Còn tại Việt Nam, cập nhật đến 6h sáng 6/6, có 1 ca mắc mới là du học sinh từ Anh trở về. Tính đến giờ, Việt Nam có 329 ca mắc COVID-19.

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Nhiều nước Mỹ Latinh gia hạn các biện pháp phòng dịch

Argentina quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm 3 tuần, tới ngày 28/6. 

Trong khi đó, Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ hai tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6.

Trong một diễn biến khác, UruguayBrazil đã nhất trí triển khai các cơ chế hợp tác nhằm tiến hành chẩn đoán và giám sát dịch tễ chống dịch tại khu vực biên giới giữa hai nước. Hai bên cũng thống nhất thành lập một đơn vị giám sát y tế chung tại khu vực biên giới.

Chile đã có thêm 4.664 ca nhiễm mới và 81 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất trong một ngày. Chile đã gia hạn các biện pháp phong tỏa tại khu vực thủ đô thêm một tuần. Trong khi đó, Bộ y tế Chile đã công bố một chiến lược truy vết nhằm xác định những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19, để cách ly nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus.

*EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng 6

EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau.

Theo đó, phần lớn chính phủ các nước trong EU sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối vào ngày 15/6, song một số nước khác đợi đến cuối tháng. Như vậy mọi hoạt động kiểm soát biên giới giữa các nước EU được dỡ bỏ hoàn toàn vào cuối tháng Sáu. Các nước sẽ xem xét dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại không cần thiết đến EU vào đầu tháng Bảy.

Séc đã quyết định khai thông hoàn toàn các tuyến đường giữa Séc, Áo và Hungary từ 12h00 (giờ địa phương) ngày 5/6 sau khi tham khảo ý kiến các nước liên quan. Bên cạnh đó, Séc cũng quyết định từ ngày 5/6, máy bay từ các quốc gia trong EU có thể hạ cánh tại tất cả các sân bay của nước này với điều kiện kiểm tra dịch tễ học. 

Tuy nhiên, tại nhiều nước châu Âu, các quy định để đảm bảo ngăn ngừa lây lan virus SARS-CoV-2 tiếp tục được thực hiện nghiêm ngặt. 

Đan Mạch tuyên bố đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc tại các sân bay của nước này đối với cả hành khách trong nước và quốc tế kể từ ngày 15/6. Hành khách phải đeo khẩu trang khi đến sân bay, ngồi trên máy bay và cho đến khi rời khỏi sân bay. Hành khách không đeo khẩu trang sẽ bị yêu cầu ra khỏi sân bay ngay lập tức hoặc bị từ chối lên máy bay.

Anh cũng quy định đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc khi người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở England kể từ ngày 15/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Thụy Điển cho phép những người không có triệu chứng mắc bệnh COVID-19 có thể đi lại trong nước từ ngày 13/6 tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, không được phép tập trung đông người, không nên di chuyển khi có triệu chứng mắc bệnh và bất kỳ ai có triệu chứng mà có kế hoạch đi lại cần phải tiến hành xét nghiệm. 

Ngày 5/6, Nga có thêm hơn 8.700 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên xấp xỉ 450.000 ca.

Thủ đô Moskva, địa phương chịu tác động mạnh nhất trên cả nước, ghi nhận tổng cộng 191.069 ca mắc bệnh, trong đó có 1.855 ca mới trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được dỡ bỏ trước ngày 1/7 tới.

* Số ca mắc mới tại Nam Á và Đông Bắc Á vẫn tăng

Nhật Bản thông báo sẽ nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với 18 quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo công dân nước này hủy bỏ các chuyến đi tới 18 nước gồm Algeria, Cuba, Cameroon, CH Trung Phi, Costa Rica, Eswatini, Gruzia, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Iraq, Jamaica, Liban, Mauritania, Nicaragua, Senegal, Saint Vincent và Grenadines. Như vậy, danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 3 của Nhật Bản sẽ lên tới 129 nước và vùng lãnh thổ. 

Hàn Quốc ngày 5/6 đã có thêm 39 ca mắc mới được phát hiện (34 ca lây nhiễm trong cộng đồng) nâng tổng số ca mắc tại Hàn Quốc lên thành 11.668 ca. Đến nay Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho trên 900.000 người và số người tử vong do virus SARS-CoV-2 là 273 người.

Số ca mắc mới gần đây chủ yếu liên quan tới hoạt động tôn giáo ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, bao gồm cả thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi. Đặc biệt hơn, hầu hết những trường hợp này là lây nhiễm thứ cấp. 

Ấn Độ đã có thêm 9.851 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua - số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở nước này, đưa tổng số người nhiễm trên cả nước lên 226.770, trong đó có 6.348 ca tử vong. 

Bangladesh cũng là quốc gia Nam Á ghi nhận số ca mắc mới cao trong cùng ngày với 2.828 ca trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 30 ca. Hiện số tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tại nước này lần lượt là 60.391 ca và 811 ca.

*Châu Phi kêu gọi hỗ trợ xét nghiệm COVID

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm COVID-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan COVID gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này.

Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Phi đã xét nghiệm cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/1 triệu người, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 37.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Italy và 30.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Anh.

Tính đến ngày 4/6, châu Phi ghi nhận 163.599 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.611 trường hợp tử vong và 70.894 người đã khỏi bệnh.

*Bệnh nhân huyết áp cao mắc COVID có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần

Các bệnh nhân huyết áp cao phải nhập viện do mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với các bệnh nhân không có tiền sử bệnh này. Đây là kết quả của các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc và Ireland đăng tải trên tạp chí Tim mạch châu Âu (European Heart Journal) ngày 5/6.

Theo một nghiên cứu riêng rẽ được thực hiện với gần 2.900 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện Hỏa Thần Sơn, các nhà nghiên cứu nhận thấy các bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kiểm soát huyết áp cao phổ biến có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong so với những bệnh nhân mắc COVID-19 có tiền sử cao huyết áp nhưng không dùng các loại thuốc này.

Dựa trên dữ liệu thu được từ những nghiên cứu trước đó, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các loại thuốc thuộc nhóm ức chế RAAS - trong đó có thuốc ức chế enzym mang tên men chuyển đổi angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) - có thể liên quan tới việc làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19./.    

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục