Cập nhật dịch COVID-19 sáng 21/7: Mỹ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất

08:13' - 21/07/2020
BNEWS Theo thống kê từ worldometers.info, tính đến 8h sáng 21/7 theo giờ Việt Nam, thế giới có tổng cộng 14.844.353 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 612.795 ca tử vong. Mỹ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất.

Mỹ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 3.960.583 ca nhiễm và 143.792 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 2.121.645 ca nhiễm và 80.251 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với 1.154.917 ca nhiễm và 28.099 ca tử vong.

Thống kê theo châu lục cho thấy số ca nhiễm và tử vong cao nhất được ghi nhận ở khu vực Bắc Mỹ với 4.636.225 ca nhiễm và 197.204 ca tử vong, tiếp đến là châu Á ghi nhận 3.459.546 ca nhiễm và 81.331 ca tử vong, khu vực Nam Mỹ có 3.306.213 ca nhiễm và 119.295 ca tử vong, trong khi châu Âu đến nay ghi nhận tổng cộng 2.687.890 ca nhiễm và 199.340 ca tử vong.

Đáng chú ý, ngày 20/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng dịch bệnh lây lan tại châu Phi, nhấn mạnh rằng số ca nhiễm tăng mạnh tại Nam Phi có thể báo hiệu các đợt bùng phát dịch trên khắp "lục địa đen".

Với tổng cộng hơn 740.000 ca nhiễm và hơn 15.400 ca tử vong, châu Phi được xem là tương đối ít bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 so với các châu lục khác. Tuy nhiên, tình hình đang trở nên xấu đi, đặc biệt là ở Nam Phi.

Cuối tuần qua, nước này đã ghi nhận số ca tử vong vượt 5.000 người và hơn 350.000 người mắc bệnh, đứng đầu châu Phi về hai chỉ số này. 

Theo ông Ryan, tình hình này có thể được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ phần còn lại của "lục địa đen" có thể phải đối mặt trong tương lai gần nếu không có hành động khẩn cấp.

Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Nam Phi đã tăng 30%, trong khi con số này ở Kenya là 31%, Madagascar tăng 50%, Zambia tăng 57% và Namibia tăng 69%.

Trong khi đó, đại dịch tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đối với kinh tế. Trong một nghiên cứu mới công bố ngày 20/7, công ty bảo hiểm thương mại của Mỹ Euler Hermes nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang đặt "một quả bom hẹn giờ" về mất khả năng thanh toán.

Euler Hermes dự đoán trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 tỷ lệ các công ty phá sản sẽ tăng tới 35% - một kỷ lục về chỉ số mất khả năng thanh toán toàn cầu - và khoảng 50% số quốc gia trên toàn thế giới sẽ ghi nhận các mức cao mới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. 

Trong số các cường quốc kinh tế của thế giới, Mỹ sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, theo đó, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 57% vào năm 2021 so với năm 2019 - trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các vụ phá sản cũng dự kiến sẽ tăng 45% ở Brazil, 43% ở Anh và 41% ở Tây Ban Nha, trong khi ở Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh - số doanh nghiệp phá sản được dự báo sẽ tăng 20%.

Tuy nhiên, một tin mừng là hoạt động bào chế vaccine phòng COVID-19 trên thế giới đang tiến triển tích cực. Ngày 20/7, một số công ty công nghệ sinh học và sản xuất dược phẩm trên thế giới đã công bố những bước tiến khả quan trong phát triển vaccine phòng dịch.

Vaccine thử nghiệm AZD1222 do tập đoàn AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế cho kết quả an toàn và tạo ra kháng thể ở người trong giai đoạn đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng. 

Cùng ngày, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thông báo vaccine Ad5-nCOV do công ty sản xuất vaccine CanSino Biologics và đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội nước này hợp tác bào chế cũng chứng tỏ an toàn và tạo ra kháng thể ở đa số những người được tiêm một mũi.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và công ty dược phẩm lớn Pfizer của Mỹ công bố thêm thông tin về cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu một loại vaccine cho thấy an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người.

Hai công ty trên nêu rõ dữ liệu cho thấy vaccine thử nghiệm đã tạo ra các phản ứng của tế bào T ở mức cao chống lại virus SARS-CoV-2.

Trên thế giới hiện có hơn 150 vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đang được phát triển và thử nghiệm, trong đó 23 chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục