Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 13/4

06:03' - 13/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất tính đến 5h45 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã có 114.053 người tử vong vì COVID-19. Mỹ chính thức ghi nhận tình trạng thảm họa trên tất cả các bang.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp với tổng cộng 1.849.473 ca mắc bệnh và 114.053 ca tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất thế giới với 558.447 ca mắc và cũng là nước có số ca tử vong lớn nhất thế giới với 21.991 trường hợp. Thứ 2 là Tây Ban Nha với 166.831 ca nhiễm và 17.209 ca tử vong.

Với số ca nhiễm mới trong ngày là 4.092 người, giảm mạnh so với con số 4.694 ca của 24 giờ giờ trước, Italy đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách 10 nước có só ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới với 156.363 trường hợp. Tuy nhiên, Italy vẫn là nước có số ca tử vong nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ với 19.899 trường hợp. 

Đến 5h45 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), thế giới có 422.558 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi và bình phục. Tuy nhiên, vẫn có 50.762 bệnh nhân trong tình trạng nặng và nguy kịch, chiếm 4% tổng số bệnh nhân đang được điều trị.

Tại Việt Nam, đến sáng 13/4, Tính đến 6h00 ngày 13/4, Việt Nam ghi nhận thêm 02 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 262 ca. Hai ca mắc mới đều đến từ vùng dịch Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Trong tổng số 262 trường hợp có 159 người từ nước ngoài, chiếm 60,7%; 103 người lây nhiễm thứ phát, chiếm 39,3%.

Điều trị khỏi 144 trường hợp (55%), các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại 14 cơ sở khám chữa bệnh.

Tại ổ dịch ở thôn Hạ Lôi: Ổ dịch thôn Hạ Lôi có 10 ca nhiễm, đã tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người (2.711 hộ dân). Hiện nay đang tiếp tục điều tra dịch tễ học.

Trước đó, ngày 12/4 Việt Nam chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 mới cũng đến từ ổ dịch Hạ Lôi.

Một số điểm nổi bật về dịch COVID-19 trong 24h qua

* Lần đầu tiên trong lịnh sử Mỹ ghi nhận tình trạng thảm họa ở tất cả các bang

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/4 đã thông qua tuyên bố tình trạng thảm họa đối với bang Wyoming trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Động thái trên là tuyên bố tình trạng thảm họa thứ 55 của Tổng thống Trump do đại dịch COVID-19, khiến nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận tình trạng thảm họa đồng thời ở tất cả các bang.

*Lễ Phục sinh phá vỡ truyền thống có từ nhiều thế kỷ

Giáo hoàng Francis lần đầu tiên phá vỡ truyền thống có từ nhiều thế kỷ nay và truyền trực tiếp (livestream) thánh lễ Phục sinh (Easter Sunday) vào ngày 12/4 theo giờ Vatican, để cho phép 1,3 tỷ tín đồ trên toàn thế giới có thể kỷ niệm ngày lễ thiêng liêng nhất của người Công giáo trong bối cảnh lệnh phong tỏa và cách ly xã hội đang được áp dụng khắp địa cầu.

Ngay cả những truyền thống thiêng liêng như Giáo hoàng gửi thông điệp và ban phước cho các tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican cũng đã phải thay thế bằng cách Giáo hoàng Francis đọc thông điệp trước một máy ghi hình từ phòng thư viện của mình. 

Trong khi đó, Tổng Giám mục Panama đã bay lên trời và thực hiện thánh lễ Phục sinh cho quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này từ một chiếc trực thăng. Các tín đồ Công giáo Tây Ban Nha đã cùng hát khúc Thánh ca từ ban công nhà mình trong Tuần Thánh..

Tu viện Westminster ở thủ đô London của Anh cũng theo xu hướng công nghệ khi phát những podcast Phục sinh của Giáo hội Anh cho các tín đồ. 

Các linh mục ở nhà thờ thị trấn Lourdes, Tây Nam nước Pháp, sẽ tổ chức 9 ngày liên tiếp cầu nguyện qua Facebook và YouTube từ ngày 12/4.

*Ngày 12/4, Đại học Bar Ilan (BIU) của Israel tuyên bố phát triển thành công phương pháp chẩn đoán virus SARS-CoV-2 từ xa sử dụng tia laser.

Theo BIU, thiết bị này có thể chẩn đoán ở khoảng cách lên đến hàng chục mét. Thiết bị này có thể xác định các triệu chứng như ran rít ở phổi, sốt, và tình trạng giảm độ bão hòa ô xy trong máu. Nhờ khả năng chẩn đoán từ xa của phương pháp mới này, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với đội ngũ y tế sẽ được hạ thấp.

Trong một nghiên cứu khác tại BIU, các nhà nghiên cứu đang phát triển những kháng thể có thể được tiêm vào như một loại vaccine thụ động chống virus corona. 

Việc tạo ra kháng thể mới được thực hiện bằng cách "thiết lập bản đồ" về những kháng thể của các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi sức khỏe.

*Nỗ lực phát triển vaccine phòng COVID-19

Tỷ phú Mỹ Bill Gates ngày 12/4 đã kêu gọi nhóm các nước G20 tài trợ nhiều hơn nữa để nghiên cứu vaccine ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Để ngăn chặn sự lây lan này, 3 biện pháp cần thực hiện gồm đảm bảo việc phân phối thích hợp các nguồn như khẩu trang y tế và các bộ xét nghiệm, tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine, bào chế và phân phối vaccine.

Hiện Liên minh vì Đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) do Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Tín thác và chính phủ của nhiều quốc gia thành lập đang phát triển ít nhất 8 loại vaccine tiềm năng phòng COVID-19 và dự kiến sẽ có ít nhất một trong số những vaccine này sẽ sẵn sàng để sử dụng trong vòng 18 tháng tới.

Trong khi đó, Hàn Quốc thông báo sẽ thành lập đội đặc nhiệm phát triển vắc-xin phòng COVID-19. Nhóm này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công việc trên như xem xét tất cả các tình huống liên quan và quá trình ra quyết định nhanh chóng.

*Ngày 12/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được xuất viện sau một tuần điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 3 ngày phải nằm trong phòng chăm sóc tích cực.

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã rời Bệnh viện St Thomas ở thủ đô London để tiếp tục quá trình phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và sẽ không trở lại công việc ngay lập tức theo như tư vấn của các bác sỹ. 

Thủ tướng Johnson nhập viện vào ngày 5/4 sau 10 ngày tự cách ly tại nhà điều trị bệnh COVID-19. Đến ngày 6/4, ông được chuyển sang phòng chăm sóc tích cực và điều trị tại đây đến ngày 9/4.

*Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày mai 14/4 nhằm thống nhất các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19.

Hai hội nghị cấp cao này cùng các cuộc họp bên lề sẽ thảo luận về những nỗ lực chung trong việc xử lý, ứng phó và giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác, cũng như bảo vệ các công dân ASEAN và sử dụng một số cơ chế hợp tác hiện có.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN dự kiến sẽ ra Tuyên bố chung về đại dịch COVID-19, trong đó cam kết tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch thông qua cách tiếp cận thống nhất, đa ngành, đa phương và liên quan đến toàn bộ Cộng đồng ASEAN.

Trong khi đó, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 dự kiến cũng ra Tuyên bố chung về đại dịch COVID-19, trong đó khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa ASEAN và ba nước đối tác trong việc kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với các tác động của đại dịch trên các mặt kinh tế và xã hội.

       Video: Mỹ ghi nhận tình trạng thảm họa ở tất cả các bang vì COVID-19

 

*Diễn biến dịch bệnh tại một số khu vực trên thế giới

Tại châu Âu, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã vượt ngưỡng 75.000 người. Hãng thông tấn AFP tổng hợp các nguồn tin chính thức cho biết, tính đến chiều 12/4 (giờ Hà Nội), dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 75.011 người ở châu Âu trong số 909.673 ca nhiễm, với 80% số ca tử vong là ở Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này vượt ngưỡng 15.000 người, riêng thủ đô Moskva vượt 10.000 người. 

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của thành phố Moskva đã lập 1.358 biên bản vi phạm qui định giãn cách xã hội theo điều 3.18.1 Luật vi phạm hành chính của Moskva. Từ ngày 15/4, cư dân các khu vực khác đi ô tô vào thủ đô sẽ chỉ được phép nếu có giấy phép số. Ngoài ra, tiến tới, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản các lái xe vi phạm chế độ tự cách ly, đi vào thủ đô không có lý do chính đáng. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 rubble.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 99 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 97 ca từ nước ngoài trở về, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ bên ngoài lên 1.280 người.

Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Malaysia, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, Thái Lan lại đón nhận một tin vui khi ghi nhận số ca nhiễm mới ngày 12/4 tiếp tục giảm xuống. Như vậy, đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày ở Thái Lan dừng ở mức hai con số và đi theo chiều hướng giảm dần.

Ở khu vực Trung Đông, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur  thông báo trong 24 giờ qua, Iran có thêm 1.657 ca nhiễm SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 71.686 ca, tuy nhiên, hơn 61% trong số này đã được chữa khỏi. Số ca tử vong đang là 4.474 trường hợp.

Ở nhiều nước châu Mỹ, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng nhanh, nhất là tại Mexico, Panama. Tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez đã quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 26/4 tại tất cả các thành phố lớn trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19./.

                                    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục