Cấp sổ đỏ là lĩnh vực nảy sinh nhiều khiếu kiện nhất tại Hà Nội

20:38' - 21/03/2018
BNEWS Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề nảy sinh nhiều trường hợp khiếu kiện nhất trên địa bàn thành phố.
Cấp sổ đỏ là lĩnh vực nảy sinh nhiều trường hợp khiếu kiện nhất. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 21/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó đặc biệt tập trung vào công tác quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu và kê khai đăng ký đất đai cho hơn 1,53 triệu thửa đất, đạt 98,74%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho hơn 196.000 thửa, đạt 100%; cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu đối với gần 95.000 thửa đất tăng thêm được gần 84.000 thửa, đạt 88,3%.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề nảy sinh nhiều trường hợp khiếu kiện nhất trên địa bàn thành phố, vướng mắc chủ yếu nằm ở đất trước đây là trường học, cấp cho cán bộ nhân viên của trường hoặc đất không rõ nguồn gốc. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo chi tiết trình UBND thành phố.

Thông tin về tình trạng người dân còn gặp nhiêu khê khi tới phường làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cử thanh tra phối hợp với UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm để củng cố niềm tin trong nhân dân.

Năm 2017, thành phố Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 và 2018 của cả 30 quận, huyện, thị xã và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Hà Nội cũng đã tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích hơn 2.000 dự án trên diện tích gần 8.000 ha; số dự án chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thực hiện hơn 400 dự án, diện tích hơn 700 ha. Thành phố cũng đã giao hơn 300 ha đất dịch vụ cho gần 39.000 hộ, đạt 60,75%.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất được gần 9.000, đạt 79.6% kế hoạch. Tổng thu tài chính từ đất đạt hơn 37.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng thu ngân sách thành phố.

Kế hoạch hết năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu đất đai và tiếp tục cập nhật dữ liệu các công trình nổi, cây xanh, hệ thống công trình ngầm. Hiện thành phố đã hoàn thành dự án đo đạc hiện trạng và cắm mốc ranh giới sử dụng đất cho các nông - lâm trường, trạm trại và đất rừng; hoàn thành dự án hiện đại hóa và hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai thành phố và cơ bản hoàn thành dự án đo đạc phục vụ công tác dồn điền đổi thửa.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện các quyết định thanh tra các dự án cách đây nhiều năm, khi chính sách đất đai đã có nhiều thay đổi; hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất cấp cho các công ty ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bị bỏ hoang để tránh lãng phí.

Đồng tình với kiến nghị của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án này, đồng thời đề nghị thành phố chủ động lập danh sách các dự án đã được giao đất nhưng không sử dụng, nếu vi phạm thì nhất quyết thu hồi, tạo nguồn lực cho thành phố./.

>>> Kon Tum giải quyết tình trạng một khu đất bị “xé” thành nhiều "sổ đỏ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục