Cắt giảm TTHC: Tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng
Ngày 15/5, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng thời gian qua và xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
*Tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng
Báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, năm 2018, Hội đồng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp.
Điểm nổi bật là Hội đồng đã phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và một số Hiệp hội tổ chức 12 phiên làm việc và hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước; tổ chức các Diễn đàn chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF).
Từ đó, Hội đồng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn và cải cách các vấn đề đang còn là rào cản, thách thức cho doanh nghiệp phát triển; được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá tích cực.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên 3 lĩnh vực trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (vượt 36,5% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 đi vào cải cách thực chất các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm bớt phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng tiếp tục tham vấn, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo đồng thuận quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính.
*Tăng cường đối thoại
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng cải cách thủ tục hành chính ngày càng khó, phải có biện pháp mạnh hơn, đột phá vào những chỗ khó, gắn đến quyền lợi của ngành. Ông nhìn nhận, ngoài mục tiêu cắt giảm thủ tục theo định lượng 30 - 50%, cần tập trung vào mục tiêu thời gian, bởi đôi khi thực tế cho thấy, thủ tục cắt giảm nhưng thời gian lại tăng lên.
Theo ông Tô Hoài Nam, đối với doanh nghiệp, thời gian là chi phí rất quan trọng. Có thể có những thủ tục chưa thể cắt giảm do yêu cầu quản lý, hoặc áp dụng công nghệ thông tin chưa theo kịp, cần phải “ép” về mặt thời gian”. Ông cũng cho rằng nên tăng cường nhiều cơ chế đối thoại chính sách chuyên ngành với địa phương
Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chỉ ra rằng năm 2019, Chính phủ đưa ra khẩu hiệu bứt phá và tăng tốc nhưng có hai việc lớn Hội đồng chưa “chạm” nhiều. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và vấn đề hợp tác công – tư PPP.
Theo ông, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn Việt Nam đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nội đô, hàng không, đường sắt, hàng hải. Huy động vốn đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP đang là điểm nghẽn hiện nay, Hội đồng cần có sáng kiến để giải quyết căn bản vấn đề này, có công trình có tính chất tiêu biểu để thể hiện được hợp tác công - tư.
Đề cập đến cụm từ bứt phá và tăng tốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình đặt câu hỏi chúng ta bứt phá dựa trên nền tảng gì và tăng tốc bằng cách nào? “Nếu đi xe máy chúng ta chỉ cần tăng ga là tăng tốc, nhưng nền kinh tế không thế. Ngành Du lịch cũng vậy.
Du lịch tăng trưởng trong 3 năm qua rất nhanh nhưng chúng tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết vừa rồi chúng tôi tăng tốc là vì cái gì? Đầu tư cũng không thêm nhiều, chính sách (ngoài trừ việc miễn visa cho các nước Tây Âu) cũng không có gì mới, nhưng mà tăng. Thế nên việc tăng đó, tính bền vững chắc chắn là không có. Nếu chúng ta không tiếp tục nuôi dưỡng tăng trưởng, hiển nhiên sẽ xuống” , ông Vũ Thế Bình nêu thực tế.
Ví dụ được ông đưa ra là quý I/2019, du lịch chỉ tăng trưởng hơn 7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 30%, tức là sự tăng trưởng nếu không có được sự hỗ trợ thêm, đầu tư thêm, nuôi dưỡng thêm, chắc chắn không phát triển được. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang rất kỳ vọng vào hoạt động du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, nhiều chính sách thời gian qua được ban hành rất tốt, đặc biệt là vấn đề cải tiến, bãi bỏ các thủ tục hành chính.
Ở đây có vấn đề ở khâu thực hiện các chính sách đó. Vấn đề khó nhất hiện nay trong lĩnh vực du lịch được ông chỉ ra là nhận thức của địa phương, mỗi nơi phát triển theo một kiểu.
“Đôi khi chúng ta mang cả tài nguyên du lịch đi đầu tư bất động sản, nhưng đầu tư như thế rồi sau này lấy đâu ra tài nguyên để thu hút khách. Nếu cứ đầu tư liên tục, nhà cửa cứ mọc lên như nấm, du lịch làm sao phát triển trong tương lai được. Tôi nghĩ cần sớm triển khai các quy định của Luật Quy hoạch, trong đó ràng buộc chặt chẽ giữa các ngành với nhau”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch nói.
Ông cũng nêu câu chuyện nhiều nội dung chính sách liên quan đến nhiều ngành, nhưng mỗi ngành nói theo ý của mình và không thể nào kết thúc được. Cần phải có những đối thoại mạnh mẽ giữa các ngành với nhau để tìm ra chân lý.
Hội đồng tới đây cần tổ chức các diễn đàn bàn về chính sách giữa các ngành với nhau để dứt điểm một vài chính sách, để thấy rõ quyền lợi của đất nước là trên hết, chứ không phải là quyền lợi của từng ngành một.
*Đánh giá thực chất Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Hội đồng tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành…
Các thành viên Hội đồng đều được lựa chọn từ các tổ chức, hội đoàn có uy tín của những ngành nghề kinh tế - xã hội của nước ta cũng như của một số cơ quan đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Hơn ai hết họ là những người hiểu rõ nhất về những thuận lợi và khó khăn (nếu có) trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình sản xuất.
Chính phủ luôn luôn lắng nghe để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hành động cùng doanh nghiệp- Phó Thủ tướng nói.
Để làm tốt việc này, Phó Thủ tướng đề nghị từng thành viên của Hội đồng phải phát huy được thế mạnh của tổ chức mình; tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu tính khả thi...
Theo Phó Thủ tướng, vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg 2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tình trạng này hiện đã dần được khắc phục nhưng vẫn còn nhiều dư luận là các doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng.
Tinh thần chỉ dạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là tập trung chỉ đạo khắc phục, tới đây nghiên cứu triển khai để lan tỏa trong bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, trong đời sống xã hội mới tạo sự chuyển biến mới, tích cực.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương; trong đó tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính…; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Hàng năm, Hội đồng tư vấn thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là một hoạt động có ý nghĩa, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả. Gắn việc đánh giá Chỉ số này với việc thực hiện phòng, chống tham nhũng vặt - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có những hoạt động tích cực trong năm 2018 đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tặng Bằng khen./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
07:03' - 27/04/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo.
-
DN cần biết
Bàn giải pháp cắt giảm chi phí thủ tục hành chính
16:32' - 16/04/2019
Ngày 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị thảo luận về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
-
Tài chính
Bộ Tài chính giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích
10:58' - 15/02/2019
Ngày 15/2, Bộ Tài chính và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Đợt đặc xá dịp 2/9 có ý nghĩa đặc biệt, diện đối tượng được xem xét mở rộng hơn
18:03'
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, với ý nghĩa đặc biệt của đợt đặc xá dịp 2/9 nên phạm vi, quy mô, điều kiện, diện đối tượng được xem xét đề nghị đặc xá được mở rộng hơn đợt 1 dịp 30/4.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại sứ Marc Knapper: Nhiều trụ cột hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam
17:48'
Ngày 8/7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đã gặp gỡ báo chí để thông tin về những cột mốc quan trọng và định hướng tương lai của mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
-
Kinh tế Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Intel hợp tác đào nhân lực về AI
17:40'
Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Intel phối hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó tập trung vào cán bộ, công chức, những người đã và sắp đi làm của Thành phố.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam huy động hơn 7 tỷ USD cho chuyển đổi năng lượng công bằng
16:59'
Việt Nam xác định 24 dự án phù hợp JETP với tổng vốn cần huy động 7,04 tỷ USD, trong đó 3 dự án đầu tiên đã đạt thỏa thuận tín dụng từ các đối tác quốc tế thuộc nhóm IPG.
-
Kinh tế Việt Nam
Đà Nẵng thu hồi một phần dự án “treo” Hòn Ngọc Á Châu để làm công viên
16:34'
Hiện Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đang tổng hợp trình UBND thành phố xem xét phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
-
Kinh tế Việt Nam
Thiết kế đồng bộ hệ thống giám sát điều hành giao thông cho Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
12:44'
Hiện nay, dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư đang triển khai thi công.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế phục hồi, thu nhập lao động tăng hơn 10%
10:46'
Các chính sách an sinh và quản lý hỗ trợ người lao động đang dần phát huy hiệu lực, hiệu quả. Số người lao động được bảo đảm tốt hơn về thu nhập, phúc lợi, bảo hiểm đang tăng lên.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng nêu 5 đề xuất quan trọng vì môi trường, y tế toàn cầu tại Hội nghị BRICS
08:13'
Tại Phiên họp cấp cao về chủ đề “Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu” ngày 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu 5 đề xuất quan trọng vì môi trường, y tế toàn cầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng đề nghị thúc đẩy ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Brazil và Mercosur
08:12'
Chiều 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và tổ chức nghiệp đoàn doanh nghiệp Brazil để thúc đẩy ký FTA Việt Nam - Brazil và Mercosur.