Câu chuyện về khoảng cách giữa cung – cầu tín dụng

16:41' - 13/12/2022
BNEWS Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng rất quan tâm hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế; trong đó có hoạt động xuất khẩu.

Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị tắc, vốn đầu tư công chậm giải ngân, vốn vay ngân hàng không dễ tiếp cận… đang khiến dòng tiền của nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa cao điểm trước Tết Nguyên đán.

 

Trong bối cảnh đó, phía ngành ngân hàng khẳng định, dòng vốn chờ đổ vào nền kinh tế rất lớn, ngân hàng đang phải “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt để cho vay.

Câu chuyện về khoảng cách giữa cung – cầu tín dụng một lần nữa được nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đề cập tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao động tổ chức ngày 13/12 tại Tp.Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn cho nền kinh tế không chỉ có vốn ngân hàng mà còn nhiều kênh khác; trong đó, quan trọng là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, thứ 2 là kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng. Vấn đề hiện nay là cần phải có giải pháp khơi thông nguồn vốn trung dài hạn quan trọng này. Bởi các ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp.

Ông Quang cho rằng, kênh dẫn vốn và nguồn vốn hiện nay đúng là đang nghẽn. Nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công. Những năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả giải ngân thấp nên sự lan toả ra nền kinh tế rất chậm. Vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng từ đó cũng chậm theo.

Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2022, kênh dẫn vốn lớn nhất cho nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng. Hiện tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%, các ngân hàng đã cung ứng gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Điều này cho thấy, vai trò của ngành ngân hàng trong thời gian qua đóng vai trò rất lớn cho sự phục hồi và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dù vậy, nguồn vốn này vẫn chưa đủ, vì nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới tín dụng thêm 1,5-2% trên chỉ tiêu 14%, để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt 15,5-16%. Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Đây cũng là một thách thức, dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn.

Theo ông Quang, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay. Các doanh nghiệp tốt không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng. Bởi các ngân hàng cũng rất muốn giải ngân cho vay, họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.

“Thực tế, ở Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng. Chúng tôi luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung. Và thời gian qua, đã có nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức để tìm tiếng nói chung, từ đó nguồn vốn tín dụng mới lan toả ra nền kinh tế” - ông Phạm Chí Quang cho biết.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng rất quan tâm hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế; trong đó có hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, đó cũng là các doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng, sau đại dịch, các doanh nghiệp như một cơ thể ốm yếu cần oxy và nguồn tài chính chính là nguồn oxy đó. Với tình hình tiếp cận vốn khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp phải chia nhau vốn thế này thì doanh nghiệp không thể khoẻ lên được.

Do đó, ông Kỳ đề xuất chính sách hỗ trợ phải có sự khác biệt giữa giai đoạn sau dịch với trước đây; đồng thời thiết kế chính sách phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

“Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có. Do đó, cần xem xét, nhìn lại thiết kế chính sách cho phù hợp để tránh sự lệch pha như hiện nay”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong thời gian cao điểm trước Tết Nguyên đán, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, có 2 xu hướng cần quan tâm. Trước hết là cần đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; trong đó, hết sức chú ý câu chuyện trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản.

“Chúng ta không thể dùng tiền ngân sách để can thiệp nhưng phải tạo cơ chế, chính sách cho phù hợp có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, giãn, hoãn nợ, giãn, hoãn thuế, tăng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp… là những giải pháp hoàn toàn nằm trong khả năng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản”, ông Lực cho biết.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc điều hành tín dụng trong thời gian tới cũng cần rút kinh nghiệm năm 2022. Trong 6-7 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công và việc “phanh lại” tín dụng, dẫn đến dòng vốn cho doanh nghiệp bị gián đoạn. Do đó, cần cân nhắc "phanh" như thế nào để không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Riêng về tín dụng bất động sản, ông Lực đề xuất Bộ Xây dựng nên phân nhóm doanh nghiệp bất động sản theo từng phân khúc như nhà ở, nghỉ dưỡng, nhà ở xã hội, khu công nghiệp và giám sát cho vay theo nhóm này. Các nước khác cũng đang làm tương tự như vậy.

Ngoài ra, tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, từ vốn ngân hàng và kênh khác. Cái chính là cần công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm hơn về quản lý, kiểm soát rủi ro. Vì một số doanh nghiệp ít quan tâm tới quản lý rủi ro, nên khi xảy ra thì sẽ rất bị động, như rủi ro về tỷ giá, lãi suất, dòng tiền đang ảnh hưởng trực tiếp thời gian qua.

Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cũng nên hạn chế dùng đòn bẩy tài chính. Việc dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều và đầu tư dàn trải là yếu tố mấu chốt khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn như hiện nay. Việc doanh nghiệp đầu tư hàng loạt dự án cùng lúc sẽ khó quản lý và kiểm soát rủi ro khi có biến động xảy ra…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục