CBO dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong 30 năm tới

15:17' - 28/03/2025
BNEWS Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 27/3 cho biết tăng trưởng dân số yếu và chi tiêu chính phủ gia tăng sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung chậm hơn trong 30 năm tới.
Báo cáo triển vọng kinh tế và ngân sách dài hạn mới nhất của CBO, cho giai đoạn 2025-2055, dự báo nợ công sẽ đạt tương đương 156% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2055. Con số này thấp hơn so với dự báo ngân sách dài hạn đưa ra hồi tháng 3/2024, cho rằng nợ công sẽ tương đương mức kỷ lục 166% GDP vào năm 2054. Tuy nhiên, đây không hẳn là một tín hiệu tích cực.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng dân số chậm lại và chi tiêu không kiểm soát cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong 30 năm tới so với dự báo của CBO năm 2024. Tỷ lệ sinh thấp hơn nghĩa là Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư để duy trì tăng trưởng.

 

Báo cáo của CBO nêu rõ nếu không có lao động nhập cư, dân số Mỹ sẽ bắt đầu giảm vào năm 2033.

Báo cáo giả định rằng tất cả các luật sắp hết hạn, bao gồm một số điều khoản trong luật cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump, sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, Nhà Trắng và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã tuyên bố rằng các biện pháp cắt giảm thuế sẽ được gia hạn và có khả năng mở rộng, đồng thời đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng doanh thu bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, những cảnh báo và dự báo tương lai trong báo cáo của CBO cũng đặt ra bối cảnh cho những thách thức về nợ, chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế mà Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định chính quyền Tổng thống Trump có thể khắc phục.

Ông Bessent đã ủng hộ kế hoạch "3-3-3", bao gồm việc đưa thâm hụt ngân sách liên bang xuống 3% GDP, thúc đẩy tăng trưởng GDP hàng năm (đã điều chỉnh theo lạm phát) lên 3% và sản xuất thêm tương đương 3 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2028.

Tuy nhiên, cảnh báo của CBO về tăng trưởng dân số lại đi ngược lại các ưu tiên chính sách của chính quyền của ông Trump liên quan đến việc trục xuất hàng loạt người nhập cư, khi các quan chức cho rằng người nhập cư đang thúc đẩy lạm phát cao khi làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở và tước đoạt cơ hội việc làm của công dân Mỹ.

Dân số giảm có thể gây ra những tác động tiêu cực sâu sắc đến nền kinh tế, vì tăng trưởng phụ thuộc vào việc bổ sung lao động cũng như tăng năng suất của họ. Mức dân số giảm có thể gây ra sự trì trệ về mức sống và tạo ra khó khăn trong việc trả nợ cũng như tài trợ cho các chương trình như an sinh xã hội, vốn phụ thuộc vào thuế tiền lương.

Báo cáo cũng được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang trên đà chạm trần nợ theo luật định, khi đất nước hết tiền để thanh toán các hóa đơn, sớm nhất là vào tháng 8/2025 nếu không có thỏa thuận giữa Quốc hội và Nhà Trắng.

CBO và Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng trong tuần này đã đưa ra các dự báo chi tiết về việc Mỹ sẽ chạm trần nợ theo luật định vào mùa Hè này, sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8/2025.

Ông Michael Peterson, Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức theo dõi nợ liên bang, cho biết trong một tuyên bố rằng dù triển vọng này tồi tệ đến đâu, nó vẫn đại diện cho một “kịch bản lạc quan”, bởi vì các nhà hoạch định chính sách hiện đang xem xét bổ sung thêm hàng nghìn tỷ USD từ việc gia hạn cắt giảm thuế, điều này sẽ làm tăng thêm nợ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục