Chất thải nhựa: Vấn đề nan giải trong khu vực ASEAN

06:30' - 12/07/2019
BNEWS Quyết định của Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại chất thải nhựa từ các quốc gia phát triển đã khiến các quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi tập kết loại chất thải này.
Rác thải nhựa tại một bãi rác ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN 

Từ tháng 1/2018, quyết định của Trung Quốc, nhà nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, cấm nhập khẩu các loại chất thải nhựa từ các quốc gia phát triển đã khiến các quốc gia Đông Nam Á trở thành nơi tập kết loại chất thải này. 

Bằng cách lợi dụng các quy định môi trường lỏng lẻo so với quy định nghiêm ngặt ở các nước phát triển, lượng chất thải nhựa nhập khẩu vào khu vực ASEAN đã tăng lên rất nhiều. 

Theo số liệu thống kê, chất thải nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng lên khoảng 110.000 tấn mỗi tháng sau lệnh cấm nhập của Trung Quốc, và tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan, Việt Nam và Philippines. 

Malaysia đã trả lại 5 container chất thải nhựa cho Tây Ban Nha. Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Yeo Bee Yin tuyên bố nước này sẽ tiếp tục gửi chất thải nhựa trở lại các nước xuất khẩu chúng.

Các nước ASEAN đang có lập trường mạnh mẽ về vấn đề chất thải nhựa. Tuy nhiên, có một số biện pháp nhất định mà ASEAN có thể áp dụng để ngăn chặn mạnh mẽ chất thải nhựa, trong đó có việc phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi về cấm xuất khẩu chất thải nhựa, hình thành công ước giữa các nước ASEAN để cấm nhập khẩu rác thải và thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giải quyết vấn đề.

Thứ nhất, về phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi về cấm xuất khẩu chất thải nhựa, ASEAN có thể phê chuẩn công ước sửa đổi này theo đề nghị của Giám đốc quốc gia tổ chức Hòa bình Xanh Thái Lan.

Công ước Basel sửa đổi đã được thông qua vào năm 1995, là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để giảm thiểu việc vận chuyển chất thải nguy hại từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.

Công ước sửa đổi đã được Liên minh châu Âu (EU), một trong những nhà sản xuất chất thải nhựa lớn nhất, chấp nhận nhưng nó vẫn chưa được phê chuẩn, vì công ước sửa đổi này đòi hỏi có sự phê chuẩn của 3/4 số quốc gia thành viên của Công ước Basel.

Công ước Basel sửa đổi cấm xuất khẩu chất thải nguy hại vì bất kỳ lý do gì, bao gồm cả tái chế từ các quốc gia phát triển. Các quốc gia này chủ yếu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có Anh, Mỹ, Canada và các nước đang phát triển khác.

Việc phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi sẽ biểu thị lập trường mạnh mẽ của ASEAN đối với việc xuất khẩu chất thải nhựa từ các nước phát triển vào khu vực. Sau khi phê chuẩn, công ước có thể giảm được phần lớn lượng rác thải nhựa vận chuyển vào ASEAN vì các nước phát triển sẽ ngần ngại trước khi gửi chất thải nhựa đến khu vực.

Các quốc gia thành viên ASEAN có thể vận động hành lang chung tại Hội nghị Công ước Basel tiếp theo để bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với việc xuất khẩu chất thải nhựa sang các nước trong khu vực. 

Bên cạnh đó, khối này cũng có thể vận động để phê chuẩn và thực hiện nhanh hơn Công ước Basel sửa đổi vì việc sửa đổi đòi hỏi sự phê chuẩn của 75% số quốc gia tham gia Công ước Basel. Về lý thuyết, Công ước Basel sửa đổi là một biện pháp phù hợp để ngăn chặn mọi hoạt động xuất khẩu chất thải trong tương lai tới khu vực

Yếu tố thứ hai liên quan đến việc hình thành công ước giữa các nước ASEAN để cấm nhập khẩu rác thải. ASEAN có thể đưa ra một công ước cấm nhập khẩu chất thải của bất kỳ quốc gia thành viên nào, thậm chí có thể hướng tới Công ước Bamako để lấy cảm hứng. Công ước Bamako là một hiệp ước của các quốc gia châu Phi cấm nhập khẩu bất kỳ chất thải nguy hại nào.

Thứ ba là việc hình thành một lực lượng đặc nhiệm chung để giải quyết vấn đề. ASEAN có thể thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung gồm các bộ trưởng môi trường của tất cả các quốc gia thành viên. Lực lượng đặc nhiệm có thể đưa ra các biện pháp để ngăn chặn hoạt động nhập khẩu chất thải.

Một trong những biện pháp này là việc thắt chặt kiểm tra các tàu chở hàng nhằm đảm bảo rằng, không có chất thải như vậy được vận chuyển vào khu vực ASEAN bằng các hình thức gian dối. Lực lượng đặc nhiệm cũng có thể thực hiện các biện pháp như thúc đẩy chính sách và truy tố các cá nhân không tuân theo các quy định về môi trường. 

Với việc có một lực lượng đặc nhiệm chung, thông tin có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên để đảm bảo rằng chất thải không được nhập lậu vào khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng có thể thiết lập có các tuyến vận chuyển trả lại chất thải cho các nước phát triển này. 

Cho đến nay, biện pháp hiệu quả nhất là thành lập một nhóm đặc nhiệm chung và xác định phạm vi quyền hạn và sự tham gia để đảm bảo vấn đề chất thải được xử lý nhanh chóng. Việc hợp nhất các nguồn lực từ mỗi thành viên ASEAN sẽ cho phép khu vực giải quyết được hiệu quả vấn đề rác thải nhựa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục