Châu Á cần sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Phần 1)

05:30' - 02/08/2017
BNEWS Tờ Straitstimes mới đây đăng bài bình luận của nhà báo William Pesek về những hệ lụy đối với châu Á khi cuộc chiến thương mại có thể diễn ra giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Châu Á cần sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters

Theo William Pesek, người cũng là tác giả của cuốn sách “Thế giới có thể học gì từ những thập kỷ đã mất của Nhật Bản”, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đối đầu trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm lu mờ các diễn biến khác ở Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra hôm 8/7. 

Nhưng không khí xung quanh cuộc gặp của ông Trump với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hamburg (Đức) mới là mấu chốt.

Ông Trump đã từng cho rằng việc mời ông Tập Cận Bình đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida (Mỹ) và chiêu đãi “chiếc bánh sôcôla ngon nhất” là có thể giải quyết xong vấn đề, khiến ông Tập Cận Bình có thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Song, điều đó là sai lầm. 

Chuyến đi đến châu Âu giúp ông Trump tạm tránh cuộc khủng hoảng “ở nhà” liên quan tới những điều tra về cuộc bầu cử năm 2016, tỷ lệ ủng hộ trượt dốc và chương trình nghị sự trình Quốc hội thì chưa đi đến đâu. 

Ngày 16/4, ông Trump đã ghi điểm khi ra lệnh cho Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào Syria, nhận được sự ủng hộ của quốc tế và khiến những đối thủ ở Washington phải dè chừng.

Ông Trump đang cố gắng tìm lại giây phút huy hoàng đó. Rõ ràng Mỹ không thể bắn tên lửa để tấn công Triều Tiên. Như vậy, chỉ còn cách khởi xướng cuộc chiến thương mại. Đã có những dấu hiệu cho thấy ông Trump đang hạ lệnh can thiệp vào thị trường thép, có thể áp mức thuế 45% đối với hàng đến từ Trung Quốc.

Theo tác giả, ông Trump đang rất cần một chiến thắng để củng cố hình ảnh, do đó châu Á cần chuẩn bị trước “cơn thịnh nộ” của ông Trump về vấn đề thương mại đối với Trung Quốc. 

Mặc dù mục tiêu sẽ là Bắc Kinh, những nước còn lại ở châu Á có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Singapore, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan - những nền kinh tế mở và dựa vào trao đổi thương mại - dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trong thời kỳ sắp tới.

Điều này sẽ làm phức tạp hoá các nỗ lực của Nhật Bản nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát, ảnh hướng xấu tới các quốc gia đang thâm hụt tài chính như Indonesia hay Ấn Độ, cả những nước sống dựa vào kiều hối như Philippines hay Sri Lanka, làm cản trở cải cách ở Malaysia và môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Nguy cơ chính sách thương mại Mỹ-Trung sẽ gây bất ổn cho những nền kinh tế lớn nhất châu Á là hoàn toàn có thể xảy ra, làm giảm đầu tư và chi tiêu ở khu vực này. 

Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng đảm bảo chuyện này sẽ không xảy ra, thực tế cho thấy Bắc Kinh mới chỉ đi những bước đầu chuyển dịch từ xuất khẩu và đầu tư sang phát triển ngành dịch vụ.

Từ năm 2008, Trung Quốc đã hỗ trợ tăng trưởng dưới hình thức tín dụng mới trị giá hàng chục nghìn tỷ USD. 

Điều này đã dẫn tới hiện tượng bong bóng nợ trong các hoạt động ngân hàng và bất động sản. Hành động của ông Trump có thể làm giảm 5% Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc như một số chuyên gia dự đoán.

Dĩ nhiên là ông Tập Cận Bình sẽ không thể ngồi yên. Boeing có thể phải giảm 180.000 việc làm nếu Trung Quốc chọn mua máy bay của Airbus, theo đánh giá của viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson. 

Bang Missouri và Mississippi của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc giảm nhập khẩu đậu tương. Các thị trường châu Á có thể bị chao đảo nếu Bắc Kinh phá giá 1.100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. 

Thái độ cứng rắn của ông Trump có thể sẽ là dấu chấm hết cho chính sách kinh tế Abenomics, cơ hội tốt nhất cho Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai châu Á - quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục