Châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực

10:33' - 16/05/2022
BNEWS Các nền kinh tế thành viên của APEC không nên chậm trễ trong việc phục hồi tiến trình hội nhập châu Á - Thái Bình Dương, vốn được xem là khu vực năng động nhất trên thế giới.

Báo cáo mới nhất của Nhóm Hỗ trợ chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhấn mạnh rằng, các nền kinh tế thành viên của APEC không nên chậm trễ trong việc phục hồi tiến trình hội nhập châu Á - Thái Bình Dương, vốn được xem là khu vực năng động nhất trên thế giới, và mang lại nguồn năng lượng mới cho triển vọng lâu dài của Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

 

Giám đốc Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC, Tiến sĩ Denis Hew, cho biết đại dịch và hậu quả mà đại dịch COVID-19 mang lại chỉ làm nổi bật hơn tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực. Báo cáo của mới nhất của Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC với tiêu đề: “Bài học từ đại dịch COVID-19: Chương trình nghị sự đổi mới cho khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, Carlos Kuriyama, nhà phân tích cấp cao của nhóm nghiên cứu và cũng là tác giả của báo cáo, cho rằng việc các chính phủ có hành động quyết đoán ở cấp độ trong nước là chưa đủ khi thế giới đối mặt với đại dịch.

Ông nói: "Hợp tác quốc tế phải là một phần của giải pháp. Quan trọng nhất, bất kỳ kế hoạch hội nhập khu vực nào, bao gồm các hiệp định thương mại tự do hoặc khu vực, đều có thể giúp vượt qua những thách thức liên quan đến đại dịch".

Báo cáo đã xác định 6 thách thức chính ảnh hưởng đến thương mại được coi là nghiêm trọng nhất. Đó là Gián đoạn trong việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu; Gián đoạn trong thương mại dịch vụ; Khó khăn về hậu cần chuỗi cung ứng; Chuyển đổi kỹ thuật số; Minh bạch; và những vướng mắc về quy định ảnh hưởng đến thương mại các mặt hàng thiết yếu.

Nhà phân tích cho biết, mặc dù một số sự gián đoạn này nghiêm trọng hơn nhiều trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng những thách thức vẫn tồn tại. Ví dụ, một số hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu vẫn được áp dụng, thương mại dịch vụ vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch và các hạn chế về dữ liệu xuyên biên giới đã gia tăng trên toàn cầu.

Ông Kuriyama cho biết: "Chúng tôi cần phải giải quyết các nút thắt trong khâu hậu cần của chuỗi cung ứng. Số lượng tàu cập bến không đúng hẹn đã tăng gần 50% kể từ khi đại dịch bắt đầu và giá cước vận chuyển đối với các container dài 40 ft đã tăng vọt hơn 600%".

Bản tóm tắt chính sách nhấn mạnh rằng APEC - với tư cách là một vườn ươm các ý tưởng - có thể tính đến những thách thức này và đưa ra các chủ đề mới liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề kỹ thuật số, cùng những chủ đề khác, vào chương trình làm việc của FTAAP.

Ông Kuriyama giải thích rằng các nền kinh tế thành viên có thể cùng nhau cam kết không thực hiện các hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu và đảm bảo chúng có sẵn để mua. Một ví dụ khác là đảm bảo các sân bay, bến cảng, hải quan… vẫn hoạt động trong thời gian xảy ra đại dịch.

Các nền kinh tế APEC cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của những người lao động thiết yếu, bao gồm cả đội bay và thuyền viên hàng hải qua biên giới.

Ông Kuriyama nói: “Hợp tác biên giới và hỗ trợ kỹ thuật cần được tăng cường bằng cách thích ứng với các công nghệ hiện đại và các thủ tục không cần giấy tờ. Đồng thời lưu ý rằng các quy tắc thương mại hiện đại về quyền riêng tư dữ liệu, bản địa hóa dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và thương mại điện tử (bảo vệ người tiêu dùng, thanh toán điện tử và chữ ký điện tử, trong số những quy tắc khác) là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.

Nhà phân tích Kuriyama kết luận: “Trong khi đại dịch đã đẩy nhanh những thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế, thì APEC đang ở vị trí có tầm ảnh hưởng đến chương trình nghị sự thương mại toàn cầu.

APEC khuyến khích khả năng phục hồi của các nền kinh tế bằng cách thực hiện các sáng kiến tập thể, bao gồm các hoạt động nâng cao năng lực, trong các lĩnh vực ngày càng được quan tâm. Chúng ta phải nắm bắt động lực này để đạt được một tương lai bền vững và toàn diện hơn”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục