Châu Phi với cú sốc Brexit

10:30' - 29/06/2016
BNEWS Sự kiện Brexit (Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu) có thể gây tác động mạnh đối với các nền kinh tế lớn nhất châu Phi.
Kinh tế châu Phi với cú sốc Brexit. Ảnh: TTXVN

Mạng tin “QuartzAfrica” mới đây có bài nhận định về sự kiện Brexit (Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu) có thể gây tác động mạnh đối với các nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Bài viết cho hay, với kết quả cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các nền kinh tế châu Phi (vốn đang khó khăn do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm và giá các mặt hàng nguyên liệu thô đi xuống) sẽ càng rơi vào tình trạng chật vật hơn.

Mặc dù một quan chức cao cấp của Anh phụ trách châu Phi và cũng là người ủng hộ Brexit đã cam kết rằng quan hệ giữa Anh với châu Phi sẽ được cải thiện nếu không còn "gánh nặng" của EU, nhưng các nền kinh tế hàng đầu của "lục địa Đen" dường như vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc chia tách này.

Nền kinh tế đang rất “ốm yếu” của Nam Phi có thể sẽ bị tác động nặng nề nhất bởi Brexit. Ngay khi có kết quả về cuộc bỏ phiếu, đồng rand của Nam Phi là đồng tiền bị ảnh hưởng mạnh nhất chỉ sau đồng bảng Anh với việc mất giá tới hơn 7% chỉ trong một ngày và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các nhà kinh tế cũng lo ngại rằng, quan hệ thương mại giữa nền kinh tế này với Vương quốc Anh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện nước Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ bảy và là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn thứ tư của Nam Phi.

Các chuyên gia kinh tế của trường Đại học Nam Phi nhận định rằng Brexit có thể lấy đi 0,1% tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nền kinh tế vừa bị mất vị trí lớn thứ hai của châu lục này.

Đối với nền kinh tế lớn nhất châu Phi hiện nay là Nigeria, quyết định rời EU của Anh diễn ra vào một thời điểm không thể tệ hơn. Trong khi Chính phủ Nigeria hiện đang nỗ lực cứu vãn nền kinh tế bên bờ vực suy thoái bằng việc dỡ bỏ sự kiểm soát tiền tệ chặt chẽ đồng thời thả nổi giá dầu, thì hiệu ứng tức thời của Brexit sẽ càng thử thách “nơ ron thần kinh” của các nhà hoạch định kinh tế của nước này.

Giá trị trao đổi thương mại song phương giữa Nigeria với nước Anh hiện ở mức 6 tỷ bảng Anh (khoảng 8,3 tỉ USD) mỗi năm và được kỳ vọng sẽ đạt mức 20 tỷ bảng vào năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ bị gián đoạn khi các hiệp định thương mại được vận hành dưới các cơ chế thuộc EU sẽ phải thương lượng lại.

Theo Cơ quan thống kê nhà nước Nigeria, Vương quốc Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này trong năm 2015. Việc kinh tế Anh chững lại và các hiệu ứng của nó có thể là dấu hiệu của sự sụt giảm trong đầu tư, thương mại cũng như cả nguồn kiều hối từ cộng đồng người Nigeria ở nước ngoài chuyển về với con số lên đến 21 tỷ USD năm 2015.

Một nước lớn khác của châu Phi là Kenya cũng đang đối mặt với các vấn đề như xuất khẩu giảm sút, đồng nội tệ mất giá và thiếu nguồn tư bản tài chính khi các nhà đầu tư tìm kiếm những địa chỉ an toàn khác.

Thống đốc ngân hàng trung ương Kenya, Patrick Njoroge từng phát biểu về khả năng Anh rời khỏi EU rằng: “Brexit sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và không có sự đảm bảo hay cơ sở nào để chúng ta có thể xoay chuyển đến một tình thế tốt hơn”.

Đến nay, Ngân hàng trung ương Kenya cho biết nước này đã chuẩn bị để đối phó với mọi cú sốc với khoản dự trữ ngoại hối 560 tỷ shilling (5,6 tỷ USD), đủ để đáp ứng cho 5 tháng nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, đồng tiền nội tệ Kenya yếu sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với đất nước có lượng hàng hóa nhập khẩu tăng hơn 10% trong suốt 5 năm qua. Nhưng cũng không hẳn tất cả đều là mặt tiêu cực, bởi mối quan hệ giữa Kenya và nước Anh rất sâu sắc và bền vững nên quan hệ thương mại và đầu tư song phương dường như vẫn sẽ tiếp tục duy trì.

Thậm chí trong chừng mực nào đó, theo một số nhà phân tích, Kenya còn có thể hưởng lợi từ Brexit. Sau khi rời khỏi EU, nước Anh có thể mong muốn thiết lập các quan hệ song phương và tạo ra một đòn bẩy cho Kenya.

Các quốc gia khác trong châu lục cũng chịu những tác động nhất định. Tại Ai Cập, chỉ số chứng khoán chính sụt giảm với việc các nhà đầu tư lo ngại về một sự sụt giảm đầu tư đến từ nước Anh và việc giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Ai Cập.

Ngay sau khi có kết quả trưng cầu về Brexit, Ngân hàng trung ương Mauritius đã ra một tuyên bố rằng ngân hàng này đã nâng mức dự trữ vàng và USD nhằm giảm sự phụ thuộc đối với đồng bảng Anh.

Tóm lại, các nhà phân tích từ Viện nghiên cứu Brookings đã rất quan ngại về việc Brexit sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với toàn bộ sự gắn kết của nước Anh với châu Phi.

Với tư cách Chủ tịch của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2015, nước Anh đã cam kết sẽ tăng gấp đôi khoản viện trợ cho “lục địa Đen” và Vương quốc này cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho sự án IDA17, một chương trình vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới mà châu Phi là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục