Chi phí gia tăng “bóp nghẹt” lợi nhuận của nhiều ngành ở Trung Quốc

06:16' - 01/06/2021
BNEWS Các nhà máy chế tạo, nhà máy năng lượng và trang trại ở Trung Quốc đang chịu tác động nặng nề nhất khi giá hàng hóa gia tăng mạnh, trong khi túi tiền của người tiêu dùng lại chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thành phố Ninh Ba, một công ty sản xuất thiết bị điện tử gia dụng đã phàn nàn rằng giá nguyên liệu thô tăng cao đã gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất của công ty, trong khi một công ty khác kêu gọi chính phủ  hỗ trợ nhiều hơn.

Trong khi giá sản xuất tăng mạnh, thì giá tiêu dùng, mới là chỉ số mà ngân hàng trung ương quan tâm khi xây dựng chính sách tiền tệ, lại không biến động nhiều, do chuỗi cung ứng đã “hấp thụ” chi phí gia tăng mà không chuyển sang cho người tiêu dùng.

Ông Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, cho biết chi tiêu hộ gia đình vẫn ảm đạm, vì thế các công ty bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng đang phải chịu giá nhập hàng hóa cao hơn nhưng sẽ khó có thể chuyển sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng.

Vì thế, ông nhận định ở thời điểm hiện tại, giá sản xuất tăng cao sẽ “ăn” vào tỷ suất lợi nhuận của các công ty.

Các nhà máy và các nhà sản xuất năng lượng cũng đang đặc biệt chịu ảnh hưởng của giá than đá gia tăng.

Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế đang đẩy lượng điện tiêu thụ tăng vượt các mức trước đại dịch, và tình hình hạn hán ở miền Nam Trung Quốc khiến sản lượng thủy điện giảm, chi phí năng lượng đang trở thành một vấn đề đau đầu với các nhà máy Trung Quốc.

Giá than đá tại cảng Tần Hoàng Đảo đang ở mức 865 NDT/tấn, cao hơn 50% so với mức giá trung bình. Ông Yu Zhai, chuyên gia của công ty Wood Mackenzie Ltd, cho biết khi giá lên trên ngưỡng 800 NDT/tn, gần như tất cả các nhà máy điện ở Trung Quốc đều bị lỗ, vì thế nhiều nhà máy có thể giảm sản lượng để tránh lỗ nhiều hơn.

Ông Yu cho biết sự căng thẳng trong nguồn cung điện đã buộc nhiều nhà máy ở Quảng Đông, trung tâm công nghiệp phía Nam Trung Quốc, chuyển hoạt động sang các giờ thấp điểm.

Nhiều công ty khác chỉ được phép hoạt động ba ngày/tuần, làm ảnh hưởng khả năng hoàn thành đơn hàng của họ.

Các trang trại lớn nhỏ tại Trung Quốc cũng đang đối mặt với tỷ suất lợi nhuận giảm do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, bao gồm ngô, đậu tương và lúa mỳ, dù giá thịt lợn đang giảm xuống.

Cùng với đó là giá thuê đất và chi phí lao động tăng khoảng 50%, trong khi giá phân bón cũng tăng 20%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục