Chi phí năng lượng của Nhật Bản có thể sẽ tăng khoảng 71 tỷ USD

19:04' - 07/10/2019
BNEWS Chi phí năng lượng của Nhật Bản có thể sẽ tăng khoảng 71 tỷ USD nếu Tokyo không có các cải cách trong chính sách năng lượng.
Chi phí năng lượng của Nhật Bản có thể sẽ tăng khoảng 71 tỷ USD. Ảnh: reuters

Nghiên cứu mới công bố của Đại học Tokyo, tổ chức Carbon Tracker và Carbon Disclosure Project cho thấy, chi phí năng lượng của Nhật Bản có thể sẽ tăng khoảng 71 tỷ USD nếu Tokyo không có các cải cách trong chính sách năng lượng.

Báo cáo nghiên cứu trên đã sử dụng các mô hình tài chính giả định để phân tích tính kinh tế của các nhà máy nhiệt điện hiện có và sắp được xây mới ở Nhật Bản.

Theo báo cáo, để đạt được mục tiêu thống nhất trên toàn cầu là hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C trong thế kỷ 21, các nhà máy nhiệt điện hiện hành sẽ phải ngừng hoạt động.

Khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng thêm tới 71 tỷ USD do họ phải gánh chịu chi phí từ những nhà máy “bị mắc kẹt” trên (stranded asset – chỉ những tài sản rơi vào tình trạng không thể phát triển tiếp do những rủi ro khó lường trước).

Báo cáo cũng cho biết trong số 71 tỷ USD chi phí năng lượng tăng thêm nói trên, 29 tỷ USD có thể tránh được nếu Chính phủ Nhật Bản xem xét lại những dự án xây dựng các nhà máy mới hoặc các nhà máy đang trong quá trình xây dựng.

Báo cáo ước tính các nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện Mặt Trời có thể rẻ hơn nguồn năng lượng từ các nhà máy vận hành bằng bằng than đá được xây mới vào năm 2022, 2023 và 2025.

Thêm vào đó, trong dài hạn, chi phí cận biên của các nhà máy điện Mặt trời và điện gió quy mô lớn cũng sẽ thấp hơn mức của các nhà máy điện chạy bằng than đá hiện nay vào năm 2025 và 2027.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã từ chối bình luận về báo cáo trên. Ông Katsushi Takehiro, người đứng đầu bộ phận nhiệt điện tại Bộ này, cho biết Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cắt giảm hết mức có thể các nhà máy nhiệt điện hoạt động không hiệu quả, trong khi tăng cường phát triển công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon.

Chính phủ Nhật Bản từng khẳng định năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của nước này. Tokyo cũng đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon xuống bằng không sớm nhất có thể sau năm 2050 để tuân thủ yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 cùng việc các lò phản ứng ở nước này ngừng hoạt động đã khiến Nhật Bản phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, từ 80% năm 2010 lên gần 95% năm 2016.

Điều này dẫn đến lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất điện của Nhật Bản tăng tới 25%, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục