Chi phí thương mại dịch vụ toàn cầu sẽ giảm hơn 119 tỷ USD/năm

08:55' - 28/02/2024
BNEWS Theo thông cáo báo chí, bộ quy tắc mới của WTO sẽ hợp lý hóa các yêu cầu ủy quyền và giảm bớt các rào cản về thủ tục cho doanh nghiệp giúp chi phí thương mại dịch vụ toàn cầu giảm hơn 119 tỷ USD/năm.
Ngày 27/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra các quy tắc mới tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại dịch vụ giữa hơn 70 quốc gia thành viên.

Theo một thông cáo báo chí, bộ quy tắc này sẽ hợp lý hóa các yêu cầu ủy quyền và giảm bớt các rào cản về thủ tục cho doanh nghiệp. Theo đó, chi phí thương mại dịch vụ toàn cầu sẽ giảm hơn 119 tỷ USD/năm.

 
Thỏa thuận mới nhất của WTO áp dụng đối với 71 thành viên, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã ký sáng kiến này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại những nước thành viên khác cũng có thể hưởng lợi.

Costa Rica là quốc gia dẫn đầu các cuộc đàm phán về sáng kiến trên. Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar gọi đây là “một cột mốc quan trọng” đối với các quốc gia thành viên và là thành tựu đầu tiên của WTO về lĩnh vực dịch vụ trong hơn 25 năm.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 (MC13) diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết việc đạt được sự đồng thuận về quy tắc trên và áp dụng vào WTO không dễ dàng. Ban đầu, hai nước thành viên bày tỏ phản đối, song “tinh thần thỏa hiệp” cuối cùng đã phá vỡ rào cản. Ông Dombrovskis không nêu cụ thể tên 2 quốc gia này. Theo EU, giá trị xuất khẩu dịch vụ toàn cầu đạt hơn 6.500 tỷ USD, chiếm 23% tổng khối lượng thương mại thế giới.

Cũng tại MC13, các bộ trưởng thương mại đang vướng vào các cuộc đàm phán khó khăn, với nội dung đàm phán tập trung vào lĩnh vực nghề cá và nông nghiệp. Các cuộc đàm phán kín diễn ra trong ngày thứ 2 của hội nghị dự kiến diễn ra đến ngày 29/2, song có thể kéo dài hơn do tồn tại một số điểm bất đồng. Giới chuyên gia dự báo hội nghị lần này ít khả năng đạt được đột phá lớn, trừ khi có một thỏa thuận mới toàn cầu về trợ cấp thủy sản.

Năm 2022, các nước thành viên WTO đã đạt được một thỏa thuận đầu tiên về cấm các khoản trợ cấp dẫn đến các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. WTO hy vọng tại hội nghị lần này, các nước thành viên sẽ đạt được thỏa thuận về vấn đề trợ cấp gây ra tình trạng dư thừa công suất hay đánh bắt quá mức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục