Chỉ số giá tiêu dùng Nhật Bản tiếp tục đi ngang do nhu cầu yếu

08:16' - 22/08/2020
BNEWS Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản trong tháng 7/2020 vẫn đứng ở mức 0,4%, thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đề ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết lạm phát ở nước này vẫn tiếp tục đi ngang tháng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái do tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản trong tháng 7/2020 (đã loại bỏ biến động giá của thực phẩm tươi sống) vẫn đứng ở mức 0,4%, thấp hơn rất nhiều so với con số mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đề ra. Nếu loại bỏ tác động của việc tăng thuế tiêu dùng và chương trình miễn học phí ở các trường mẫu giáo áp dụng từ tháng 10/2019, chỉ số lạm phát trong tháng 7/2020 giảm 0,3%, thấp hơn so với con số 0,4% trong tháng 6/2020.

Theo MIC, nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng và dầu hỏa đã giảm tương ứng là 9,2% và 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái bởi vì, dịch COVID-19 khiến nhu cầu năng lượng giảm. Giá dịch vụ khách sạn cũng giảm 4,5% trong bối cảnh người dân hạn chế ra đường bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5/2020, và do các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà Chính phủ đang áp dụng để khống chế dịch COVID-19.

Trong khi đó, giá đồ điện gia dụng như điều hòa không khí và nồi cơm điện vẫn hầu như không biến động, một phần nhờ chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân, nhưng tác động của chính sách này lên lạm phát rất hạn chế.

Ở chiều ngược lại, giá vé vào các công viên chủ đề lại tăng tới 7% sau khi các nhà điều hành đã tăng giá vào mùa Xuân. Chi phí ăn tối tại các cửa hàng sushi cũng tăng 5,4%, một phần do thuế tiêu dùng tăng từ đầu tháng 10/2019.

Ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Norinchukin, nhận định việc dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều thành phố lớn trên khắp Nhật Bản đã ảnh hưởng tới đà hồi phục của chi tiêu dùng cá nhân. Áp lực giảm giá sẽ gia tăng trong một vài tháng tới trong bối cảnh tình trạng nhu cầu yếu có thể sẽ kéo dài do thu nhập của các hộ gia đình sẽ suy giảm do tác động của dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục