Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm qua

20:23' - 03/05/2020
BNEWS Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%. 
Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%...
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18%); khai thác quặng kim loại tăng 16,5%...
Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; đường kính giảm 23,5%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 12%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%...
Tổng cục Thống kê chỉ ra, sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 sụt giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19 làm cho phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2020 giảm 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%); trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cùng giảm 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,7%.
Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 3,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%.
Để các doanh nghiệp công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.
“Cần thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.”, ông Thúy cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục