Chìa khóa giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng năng lượng

05:30' - 13/04/2024
BNEWS Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay bằng cách đầu tư vào các dự án có lợi ích chung nhằm tăng cường khả năng tái khí hóa từ LNG.

Theo mạng tin Geopolitica.infor của Italy, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên, bắt đầu bằng việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 và tiếp tục cho đến nay. Cuộc khủng hoàng này là bằng chứng về sự mong manh của hệ thống năng lượng châu Âu hiện tại, đồng thời đặt ra câu hỏi về những rủi ro khi “Lục địa Già” hầu như chỉ phụ thuộc vào một quốc gia nhập khẩu khí đốt duy nhất là Nga.

Phân tích dữ liệu trong quý III/2023, châu Âu vẫn phụ thuộc 16% vào khí đốt của Nga ở trạng thái khí và phụ thuộc 8,8% vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Người ta có thể chắc chắn rằng châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào một nhà nhập khẩu duy nhất. Để so sánh, ví dụ như trong năm 2020, 41% khí đốt của châu Âu được nhập khẩu từ Nga, 27% từ Algeria và 9% từ Azerbaijan. Tuy nhiên, hiện nay Na Uy đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất tại châu Âu, trong khi Mỹ dẫn đầu về LNG.

Điều thú vị là dữ liệu từ Eurostat và Statista cho thấy sự tăng trưởng về việc xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu trong những năm qua từ 15 tỷ mét khối LNG vào năm 2020 lên gần 18 tỷ mét khối LNG vào năm 2023.

Tại Italy, năm 2021, nước này nhập khẩu 13% LNG của Nga, nhưng trong quý I/2023, xuất khẩu LNG của Nga sang Italy chỉ là 2,8%, so với 39,2% của Qatar, 8,3% của Algeria và 4% của Ai Cập.

* Vai trò của Ủy ban châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi các quốc gia thành viên khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay bằng cách đầu tư vào các dự án có lợi ích chung nhằm tăng cường khả năng tái khí hóa từ LNG. Hội đồng châu Âu ước tính rằng công suất nhập khẩu LNG ở châu Âu sẽ tăng thêm 40 tỷ mét khối vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ mét khối nữa vào năm 2024.

Những loại hình đầu tư này giúp giải quyết chi phí khí đốt cao trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, quá trình chuyển đổi sinh thái mà EC áp đặt sẽ nhiều tham vọng hơn. Thỏa thuận Xanh châu Âu, được đưa ra ngày 11/12/2019, bao gồm quá trình chuyển đổi sinh thái, được định nghĩa là quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế và xã hội bền vững về mặt sinh thái, có đặc trưng là mục tiêu đạt được phát thải khí nhà kính ròng bằng 0. Quá trình này dựa trên việc chuyển đổi năng lượng, nhằm mục đích giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Khía cạnh quốc tế của Thỏa thuận Xanh là một yếu tố quan trọng ngay từ giai đoạn đầu. Mặc dù ban đầu, thỏa thuận này tập trung vào hợp tác kinh tế và chủ nghĩa đa phương, nhưng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, thỏa thuận lại có một khía cạnh an ninh rõ rệt. Căng thẳng địa chính trị đã làm chậm lại các mục tiêu của EC, vốn coi khí đốt là thành tố chuyển tiếp, trong khi chờ đợi có đủ cơ sở hạ tầng có khả năng sản xuất năng lượng tái tạo. Những mục tiêu này sẽ đạt được thông qua sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, không chỉ ở cấp độ châu Âu mà còn ở cấp độ toàn cầu.

* Các thỏa thuận năng lượng mới

Các nguồn năng lượng mà Liên minh châu Âu (EU) dự định đầu tư là gió, quang điện, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học và hydro. Theo hướng này, EC có kế hoạch đồng đầu tư cho một đường ống dẫn khí đốt mới, được gọi là Eastmed Poseidon, sẽ kết nối các mỏ của Israel với các mỏ của Italy.

Điểm đặc biệt của đường ống dẫn khí này, được thiết kế với sự hợp tác giữa Edison và công ty năng lượng Depa của Hy Lạp, là nó có thể vận chuyển hỗn hợp năng lượng cả khí đốt và hydro. Israel và Ai Cập đang mong muốn hợp tác trở thành nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trở thành trung tâm năng lượng toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực hành lang cho các đường ống dẫn khí chủ chốt hướng tới châu Âu như Tap-Tanap (Azerbaijan – Italy) và các đường ống dẫn khí đốt từ Nga.

Italy cũng đang nỗ lực trở thành một trung tâm năng lượng. Một thách thức mà nước này đã theo đuổi từ năm 1990, khi họ muốn khai thác các mỏ ở Algeria và mua khí đốt với số lượng lớn để dự trữ ở trong nước. Kế hoạch của Italy bị gián đoạn do sự gia tăng của Mùa xuân Arab và do đó nước này đã chuyển sự chú ý sang nguồn cung cấp giá rẻ của Nga. Nhưng giờ đây, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã công bố kế hoạch Mattei, phối hợp với tập đoàn dầu khí quốc doanh Eni của nước này để thiết lập mối quan hệ đối tác mới với châu Phi.

Tuy nhiên, một số học giả sẽ nói rằng điều đó là quá muộn. Châu Âu và Mỹ đã không nhận ra bản chất năng động của lịch sử châu Phi và coi tình hình trên lục địa này là một sự hỗn loạn không thể khắc phục được, từ đó tốt nhất là nên rút lui. Trong khi đó, các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga và các nước Arab đã nắm bắt được tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của châu Phi trong thế kỷ XXI và đang tìm cách tái định vị họ trên lục địa này.

* Chiến lược của châu Âu

Do đó, các nước phương Tây và châu Phi cần đổi mới quan hệ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện có và tạo ra những cơ sở hạ tầng mới. Hiện có hai đường ống dẫn khí đốt từ khu vực Maghreb đến Sicily là Dòng chảy Xanh từ Libya và Transmed từ Algeria. Tại Algeria, Chính phủ Thủ tướng Meloni đang đẩy nhanh các thỏa thuận hợp tác năng lượng mới và tăng nguồn cung.

Tình hình địa chính trị toàn cầu mang đến một luồng gió mới cho Italy. Việc Chính phủ Tây Ban Nha ủng hộ Morocco ở Tây Sahara đã phá vỡ mối quan hệ của họ với Algeria, khiến nước này ngừng xuất khẩu khí đốt sang Tây Ban Nha. Vì lý do này, 3 tỷ mét khối khí đốt trước đây được xuất sang Tây Ban Nha, giờ được chuyển sang Italy. Điều nghịch lý là do những căng thẳng này, Tây Ban Nha, quốc gia chưa từng có quan hệ với Nga về mặt năng lượng trước cuộc xung đột Ukraine, lại mua LNG từ Liên bang Nga để giải quyết tình trạng thiếu hụt ở châu Phi.

Mùa Hè năm 2023 là khoảng thời gian thảo luận căng thẳng tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, nơi các câu hỏi được đưa ra về mức độ tin cậy của việc tăng xuất khẩu từ Qatar, quốc gia hiện có quan hệ với cả Israel và Hamas. Chiến lược của châu Âu là họ quyết định không xem xét những bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ và tập trung vào các nhà cung cấp khác như Israel và Trung Đông.

Sự gia tăng xung đột Israel-Palestine càng làm chậm lại các kế hoạch của châu Âu. Các cuộc tấn công mà người Houthis đang thực hiện nhằm vào các tàu đi qua Kênh đào Suez đã cản trở hoạt động thương mại toàn cầu và thay đổi các tuyến đường vận chuyển. Hiện tại, tàu chở năng lượng của Qatar không dám đi qua eo biển Bab el Mandab, mà phải đi vòng quanh châu Phi và đi qua Mũi Hảo Vọng, kéo dài hành trình ít nhất 15 ngày.

Từ quan điểm của châu Phi, kinh tế Algeria đang hướng tới một giai đoạn phục hồi và củng cố, sẽ có tác động tích cực đến sự ổn định chính trị nội bộ, mặc dù tại nước này vẫn tồn tại những vấn đề quan trọng về cơ cấu, liên quan đến nguồn lực hạn chế. Tập đoàn Sonatrach có kế hoạch đầu tư 39 tỷ USD vào lĩnh vực hydrocarbon, bắt đầu từ năm 2026, nhưng người ta không chắc chắn rằng họ có thể làm được hay không.

Ngoài việc phân bổ nguồn tài chính khổng lồ, EC còn đang ký kết các thỏa thuận với khu vực tư nhân, chủ yếu là các công ty trong các lĩnh vực như sản xuất pin và chất bán dẫn. Từ góc độ an ninh năng lượng, EU cần phải đầu tư nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và nhà cung cấp, cũng như tạo ra các nguồn dự trữ chiến lược, các quá trình giả định trước việc xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên dụng.

Thật không may, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, như Đức và Italy, hiện dường như không có xu hướng quyết tâm theo đuổi các mục tiêu này. Ngay cả ở Berlin, nơi đảng Xanh đại diện cho đối tác đa số trong chính phủ, an ninh vẫn được ưu tiên hơn quá trình chuyển đổi năng lượng.

Điều này cho thấy sự phức tạp trong các chính sách năng lượng quốc gia, trong đó nhu cầu đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ngắn hạn đôi khi có thể chiếm ưu thế hoặc làm chậm các nỗ lực hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và ít gây ô nhiễm hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục