Chìa khóa thành công của tăng trưởng kinh tế

11:48' - 18/01/2019
BNEWS chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực như: nguồn nhân lực, nông nghiệp thông minh, giải pháp về môi trường và cách mạng công nghiệp 4.0

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Bền vững lần thứ nhất, sáng 18/1, tại Hà Nội, Diễn đàn Bền vững Việt Nam (VSF) 2019 được diễn ra với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững". Diễn đàn là nơi trao đổi của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức phi chính phủ, doanh nhân, học giả Việt Nam và quốc tế nhằm thảo luận và chia sẻ những ý tưởng, biện pháp và kinh nghiệm cũng như xu hướng toàn cầu để hướng đến một xã hội bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực mang tính quyết định như: nguồn nhân lực, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, giải pháp về môi trường và cách mạng công nghiệp 4.0. “ Phát triển bền vững bao hàm không chỉ sự phát triển về kinh tế mà còn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh bày tỏ.

Trong năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực là 7,08%, thặng dư thương mại gấp hơn 3 lần năm 2017 là 7,21 tỷ USD. Ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây với kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% (năm 1986) thì nay đã chỉ còn khoảng 7%. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ USD năm 1985 lên 244 tỷ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tiến triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ, mang lại những cơ hội phát triển, đồng thời cũng đi kèm với những thách thức về môi trường, xã hội, phát triển bền vững sẽ dần trở thành lựa chọn phổ biến của các quốc gia trên toàn thế giới; trong đó, có Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cũng cho rằng, Việt Nam đang ở một thời điểm rất quan trọng. Sự cam kết tiếp tục và sâu sắc hơn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững trước hết đòi hỏi cần có một cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này cũng đã được thể hiện đầy đủ trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Một chiến lược toàn diện về biến đổi khí hậu và việc thực hiện chiến lược này một cách đầy đủ sẽ đem lại những lợi ích to lớn về phát triển bền vững; trong đó, có việc cải thiện đa dạng sinh học, giảm hiện tượng ô nhiễm môi trường, và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý hơn.

GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho biết, tăng trưởng nhanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn lực con người, nhất là khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chủ đạo trong sản sinh giá trị gia tăng.

Ông Khương chỉ rõ, con người là nhân tố quyết định đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp. Một chiến lược tập trung vào chất lượng "vốn con người" sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công với xu thế phát triển bền vững và chuyển đổi số.

"Thiếu con người tốt và thiếu đầu tư vào "vốn con người" sẽ đưa đến thua thiệt trong hội nhập, cạnh tranh, bỏ lỡ cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, và khó có thể bứt phá, ngay cả khi có bộ máy tốt và nhiều ý tưởng kinh doanh hay.", GS. Khương nêu quan điểm.

Bà Wiesen Caitlin, Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá cao thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2018; trong đó, có thành tựu xoá đói giảm nghèo.

Bà Wiesen Caitlin đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thông qua gắn kết phát triển kinh tế với an sinh xã hội. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ xanh, hiện đại..."Tăng trưởng bền vững đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới hơn nữa và các hướng tiếp cận mới để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển sang cuộc cách mạng công nghệ 4.0", bà Wiesen Caitlin cho biết.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững gắn với nhu cầu của con người dù ở nơi đâu cũng luôn được sống trong một môi trường hòa bình, không ô nhiễm, an toàn và có cơ hội mưu sinh bình đẳng. Để bảo đảm bền vững trong dài hạn, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp là chìa khóa của thành công.

Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững”, tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: xây dựng nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững; nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững; thực hiện chính sách đối phó với biến đổi khí hậu – Các ứng dụng nổi bật và hợp tác trong khu vực; các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo bền vững môi trường tại Việt Nam; cách mạng công nghiệp 4.0 và các tác động tới phát triển kinh tế và xã hội…

Diễn đàn Quốc tế về phát triển bền vững Việt Nam 2019 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (APD) chủ trì./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục