Thu hút mạnh nguồn vốn cho đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng

11:05' - 16/01/2019
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế trong năm 2019, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của năm 2019, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, sáng 16/1, tại Hà Nội, các địa phương trong cả nước đã đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành kế hoạch và đầu tư. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo, trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch và ban hành các Thông tư ngay sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn giúp Hà Nội và các địa phương về việc giải ngân vốn vay ODA theo tiến độ thực hiện dự án và hiệp định vay vốn đã ký kết. Cùng đó, tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh cho rằng, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019, nhưng đến nay chưa có Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành nên việc triển khai ở địa phương còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó, đặc biệt là có hướng dẫn về việc xây dựng báo cáo hợp phần và tích hợp quy hoạch.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư có sử dụng đất ở địa phương còn nhiều khó khăn vướng mắc do sự không thống nhất, mẫu thuẫn, quy định thiếu rõ ràng, cụ thể giữa Luật đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu. Từ những vấn đề bất cập này, ông Đặng Quốc Khánh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư và các Luật liên quan đến đầu tư dự án có sử dụng đất để các tỉnh thu hút đầu tư đảm bảo quy định thống nhất.

Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thì cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc thực hiện Luật Đầu tư công, Nghị định 120/2018/NĐ-CP. Đồng thời, sớm đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư theo hình thức BT đang triển khai thực hiện về cơ chế thanh toán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Nưng, đề nghị Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đồng thời, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa các tỉnh trong Tiểu vùng và giữa Tiểu vùng với các tỉnh khác nhất là các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ rộng lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội,…nhằm đẩy mạnh sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh, phân phối mặt hàng nông thủy sản trong vùng.

Đối với Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng chương trình hỗ trợ cho 6.000 doanh nghiệp mạnh của thành phố (doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng).

Cùng đó, thành lập Qũy Phát triển dự án (PDF) và Qũy bù đắp tài chính (VGF) trong năm 2019. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển các dự án đầu tư công có khả năng đảm bảo nguồn thu sang chương trình kích cầu đầu tư, dự kiến tiết kiệm ngân sách khoảng 47.000 tỷ đồng…

Trước những đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành qua mạng ở tất cả các đơn vị thuộc Bộ, ứng dụng công nghệ thông tin ở các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong công tác kế hoạch đầu tư và điều hành kinh tế vĩ mô, hướng tới các mục tiêu đã đặt ra trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao khả năng ứng phó, tự chủ của nền kinh tế, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…/

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục