Chia sẻ giải pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính

14:55' - 24/12/2020
BNEWS Báo An ninh Thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ” ngày 24/12, tại Hà Nội.
Nhằm làm rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ đối với quốc gia và doanh nghiệp, tiếp tục đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - kinh tế; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ” ngày 24/12, tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, khủng hoảng tài chính được hiểu là “trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị các tài sản tài chính, sự mất khả năng thanh toán, luân chuyển vốn của các tổ chức tài chính và sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính”.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu như khủng hoảng y tế và kinh tế năm 2020 được đánh giá “cú sốc bất lợi nhất trong hơn 1 thế kỷ” thì nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu cũng được đánh giá là “khác biệt nhất so với các cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử, mức độ không chắc chắn cao nhất, phạm vi rộng và khả năng kéo dài”.

Ông Cấn Văn Lực cho hay, thứ nhất, nguy cơ cao của “bom nợ”, đặc biệt là rủi ro nợ của doanh nghiệp. Thứ hai là nguy cơ cao về sự đảo chiều và giảm sút dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi. Thứ ba, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái nền kinh tế thực.

Ngoài ra, nguy cơ giảm giá của các đồng tiền so với các đồng tiền mạnh (USD) vẫn thường trực dù cơ chế điều hành tỷ giá của các nước ngày càng linh hoạt. Nguy cơ gia tăng nợ xấu, giảm thu nhập và những thách thức mới với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Nguy cơ do thể chế không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính; giải pháp ứng phó dịch bệnh và cơ chế phối hợp kém hiệu quả … cũng là những điểm đáng lưu ý.

“Hiện nay, tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền. Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua.

Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định”.

Do vậy, ông Cấn Văn Lực đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng trung bình – khá. Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và khôi phục nền kinh tế, ông Lực cho rằng, phải đảm bảo hiệu quả các gói hỗ trợ đồng thời đảm bảo an toàn tài khóa và nợ công; hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ, cân bằng hệ thống tài chính…

Việt Nam cần vận dụng linh hoạt mô hình 5Rs, theo dõi, đánh giá, lượng hóa các tác động tiêu cực đối với ổn định hệ thống tài chính và có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, cần có chiến lược, giải pháp để hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan quản lý và các định chế tài chính, nhất là năng lực phân tích, dự báo, kiểm soát rủi ro hệ thống). Cùng đó, phát triển đồng bộ thị trường tài chính cùng với nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, hạ tầng tài chính – ngân hàng và đa dạng hóa sản phẩm – dịch vụ, công cụ điều tiết vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay mang lại nhiều cơ hội, nhưng kèm theo đó là thách thức cho công cuộc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an ninh tài chính, hệ thống tài chính xuất hiện nhiều rủi ro lớn. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phục hồi, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn đến an ninh tài chính vẫn còn, đặc biệt là nợ công, nợ nước ngoài.

Theo TS. Nguyễn Đại Lải, chuyên gia tài chính ngân hàng, từ trước tới nay, rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng. Đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các ngân hàng thương mại.

Tại Mỹ La Tinh cũng như một số nước công nghiệp phát triển như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản và Mỹ, khủng hoảng ngân hàng thường xảy ra sau sự bùng nổ của các khoản cho vay. Đơn cử như: sự tăng trưởng tín dụng nóng của các ngân hàng thương mại Thái Lan, Hàn Quốc đã…dẫn tới khủng hoảng 1997, sự bùng nổ cho vay dưới tiêu chuẩn của Mỹ dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng năm 2008, và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu.

Vì vậy, ông Nguyễn Đại Lải cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần tuân thủ đúng và đầy đủ các bước trong quy trình cho vay, không ngừng đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cũng như khả năng thẩm định, đánh giá của các nhân viên tín dụng. Bảo đảm sự chặt chẽ và chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay và suốt quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất.

Đặc biệt nhấn mạnh những điểm cần làm ngay, theo ông Đại Lải, Việt Nam rất cần lập sàn mua bán nợ đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam thay việc “gửi” nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC) Việt Nam như hiện nay để sớm giải phóng các ngân hàng này khỏi sự ràng buộc quá lâu vào các khoản nợ xấu khó đòi cùng những tài sản thế chấp bắt buộc phải quản lý một cách không chuyên ngành.

Song song với việc lập sàn mua, bán nợ, Nhà nước tạo đầu mối để quản lý và khuyến khích mở cơ chế kết nối thông tin hoặc hình thành các tổ chức hỗ trợ độc lập, như các công ty thẩm định giá tài sản chuyên nghiệp, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức mua nợ và các tổ chức thu nợ chuyên nghiệp v.v phải được cấp phép hoạt động theo đúng Luật pháp liên quan sau khi có sự kiểm tra các điều kiện hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động mua bán nợ quốc gia.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần sớm thiết lập hệ thống phân loại tín dụng trong quá trình hướng tới lượng hóa rủi ro tín dụng. Điều này nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro tín dụng, tập trung xử lý có hiệu quả các khoản nợ xấu đồng thời với việc tập trung ngăn chặn và phòng ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai. Việc xử lý nợ xấu cần có lộ trình cụ thể và phải tuân thủ thời hạn đã đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục