Lý do chính khiến Indonesia quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ

06:30' - 10/05/2022
BNEWS Theo tờ The Diplomat, các công ty dầu cọ chạy theo lợi nhuận xuất khẩu đã làm tăng chi phí cho người tiêu dùng trong nước, từ đó tạo ra "cơn đau đầu" chính trị tiềm tàng cho Chính phủ Indonesia.

Vài tháng qua là quãng thời gian trồi sụt đối với lĩnh vực dầu cọ Indonesia, với đỉnh điểm hồi tuần trước khi Chính phủ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu cả dầu cọ thô (CPO) lẫn các sản phẩm tinh chế, trong đó có dầu ăn. Ngay trước khi có quyết định cuối cùng, Chính phủ đã phát đi một loạt thông điệp hỗn độn, ban đầu với tuyên bố lệnh cấm sẽ không được áp dụng với CPO song cuối cùng lại có một quyết định đảo ngược hoàn toàn vào phút chót.

Indonesia là nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới, vì vậy việc ngừng cung cấp mặt hàng này ra thị trường toàn cầu là một vấn đề lớn. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng cơ bản như dầu ăn vào thời điểm giá thực phẩm đang chịu sức ép tăng cao. Các đối tác thương mại sẽ không hài lòng. Vậy tại sao Indonesia lại có động thái bất ngờ này?

Câu trả lời đơn giản liên quan đến giá cả. Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, sản lượng CPO năm 2021 của nước này đã sụt giảm so với năm 2020 ngay cả khi nhu cầu quốc tế tăng mạnh. Khi cầu tăng và cung giảm hoặc không đổi, giá cả sẽ tăng. Vào tháng 4/2020, 1 tấn CPO của Indonesia chỉ có giá khoảng 545 USD trên thị trường châu Âu. Hai năm sau, con số này đã tăng lên 1.700 USD.

Điều này có lợi cho các nhà xuất khẩu và cho cán cân tài khoản vãng lai của Indonesia. Nhu cầu toàn cầu bùng nổ đối với các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này - chẳng hạn như than đá và dầu cọ - đã làm đảo ngược tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng và đặt đồng rupiah vào một vị trí tương đối vững chắc, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay. Giá hàng hóa tăng cũng giúp tăng ngân khố của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu hàng hóa đang phát triển rầm rộ lại tạo ra một nghịch lý. Trong khi điều này có lợi cho các nhà xuất khẩu và tài khoản vãng lai, Chính phủ Indonesia không muốn người tiêu dùng trong nước phải mua các loại hàng hóa này với giá thị trường quốc tế. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ là đảm bảo giá các mặt hàng thiết yếu - như xăng dầu, điện, gạo và dầu ăn - ổn định và có giá cả phải chăng. Một số loại xăng dầu đã tăng giá và chính phủ đang đặc biệt nhạy cảm với áp lực lạm phát gia tăng.

Vấn đề là điều này tạo ra động lực đối đầu giữa các tác nhân chính. Lợi ích chính trị của nhà nước trong việc giữ giá cả trong nước ở mức thấp trái ngược với lợi ích thương mại của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ vốn muốn bán càng nhiều càng tốt và với mức giá cao nhất có thể. Chính phủ cho rằng các công ty dầu cọ chạy theo lợi nhuận xuất khẩu đang chuyển hướng nguồn cung ra khỏi thị trường nội địa vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Điều này khiến giá dầu ăn trong nước tăng vọt, gây ra tình trạng khan hiếm và đầu cơ tích trữ được báo chí đề cập nhiều vào đầu năm nay.

Để giảm giá, ban đầu Chính phủ Indonesia đã thử nghiệm một số biện pháp điều tiết như áp đặt hạn ngạch xuất khẩu, bắt buộc các doanh nghiệp đáp ứng nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO) và áp giá trần đối với dầu ăn. Các cuộc điều tra cũng đã được tiến hành đối với các nhà điều hành dầu cọ và các quan chức thương mại.

Tuy nhiên, các biện pháp này lại được tiến hành gấp gáp và gây khó hiểu, do đó cũng không giúp hạ giá đủ nhanh. Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Lebaran - thời điểm hàng trăm triệu người quây quần ăn mừng kết thúc tháng lễ nhịn chay Ramadan - đang đến gần, Chính phủ Indonesia cho rằng cần có hành động quyết liệt hơn và cuối cùng đã ra lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ các sản phẩm dầu cọ.

Dù điều này có thực sự mang lại hiệu quả mong muốn hay chăng nữa, nhưng giá dầu ăn ở Indonesia hầu như không liên quan vì lệnh cấm có khả năng sẽ không kéo dài. Về cơ bản, điều này nhằm gửi thông điệp về quyền lực của nhà nước trong việc duy trì kỷ luật thị trường vì lợi ích quốc gia. Đây là sự tiếp nối các hành động hồi đầu năm nay khi Indonesia cấm xuất khẩu than đá để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy nhiệt điện trong nước với giá thấp hơn giá thị trường.

Cũng giống như lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, lệnh cấm xuất khẩu than đá cũng chủ yếu nhằm gửi thông điệp rằng nền kinh tế Indonesia ủng hộ thị trường, song chỉ ở một mức độ nào đó. Một khi lợi ích thương mại mâu thuẫn với lợi ích quốc gia và ảnh hưởng đến chính trị, nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ các lợi ích này. Động thái của nhà nước có nguy cơ vượt khỏi tầm tay vì các đối tác thương mại và các nhà đầu tư sẽ không sẵn lòng chấp nhận các hành động đó, đặc biệt là khi nhu cầu đối với những mặt hàng này không còn quá nóng.

Hiện Indonesia đang kiểm soát nguồn cung nguyên liệu thô như than đá và dầu cọ - những thứ đang có nhu cầu cao. Do đó, phạm vi tiếp cận của họ có thể mở rộng ra khá xa khi muốn gửi một thông điệp. Và thông điệp - theo đó thị trường nội địa cần được cung cấp trước tiên và với giá cả phải chăng, ngay cả khi điều đó buộc các nhà xuất khẩu phải từ bỏ lợi nhuận - đang được thể hiện rất rõ ràng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục