Chiến lược hàng hải với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế (Phần 1)

06:26' - 12/05/2020
BNEWS Do hậu quả của đại dịch, Nam Phi phải giải quyết nhiều thách thức khác nhau, trong đó có việc đảm bảo hiệu quả chuỗi cung ứng cho chính nước này và phần lớn khu vực miền Nam châu Phi.
Một tàu du lịch tại cảng Cape Town, Nam Phi, ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trang mạng Daily Maverick đăng bài phân tích của hai tác giả Timothy Walker - nghiên cứu viên cao cấp và Denys Reva thuộc Dự án Hàng hải, Viện Nghiên cứu an ninh Nam Phi (ISS) - về vai trò của Chiến lược hàng hải quốc gia Nam Phi với nhiệm vụ phục hồi kinh tế và tăng trưởng trong tương lai. 

Theo nhóm tác giả, Nam Phi cần xem xét gánh nặng rất lớn hiện nay trong đảm bảo an ninh bờ biển rộng lớn và vùng biển ngoài khơi tấp nập của nước này. Hậu quả lâu dài của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến các quyết định về an ninh hàng hải của Nam Phi vốn đã khó khăn, lại càng thêm phức tạp hơn.

Một lĩnh vực hàng hải được quản lý tốt là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế của Nam Phi sau đại dịch, cũng như của sự tăng trưởng dài hạn. Hiện nay, Nam Phi đứng trước những lựa chọn khó khăn để đạt được mục tiêu trên bởi những hạn chế do dịch COVID-19 gây ra.

Quá trình soạn thảo Chiến lược an ninh hàng hải quốc gia của Nam Phi đã tiến triển thuận lợi trước khi đại dịch xảy ra.

Bộ Giao thông vận tải Nam Phi điều phối xây dựng chiến lược này, cùng với sự đóng góp của hơn 20 bộ và cơ quan liên quan đến quản trị và thực thi trên biển như Hải quân Nam Phi và Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản.

Chiến lược an ninh hàng hải quốc gia sẽ cho thấy biện pháp Nam Phi có thể đảm bảo an ninh vùng biển, các chủ thể cụ thể nào có quyền tài phán và về những nội dung gì, cũng như những lỗ hổng hiện tại về năng lực và luật pháp.

Chiến lược này cũng nên có kế hoạch tích hợp các nguồn lực phân tán như các tàu tuần tra và ngân sách hoạt động để cải thiện sự giám sát bờ biển và vùng biển Nam Phi.

Phòng chống COVID-19 đặt ra những vấn đề nan giải mới cho Nam Phi, bên cạnh thách thức hiện tại là kiểm soát một trong những khu vực hàng hải lớn nhất ở châu Phi và nằm trên một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới.

Do hậu quả của đại dịch, Nam Phi phải giải quyết nhiều thách thức khác nhau, trong đó có việc đảm bảo hiệu quả chuỗi cung ứng cho chính nước này và phần lớn khu vực miền Nam châu Phi.

Các cảng Nam Phi có lợi thế cạnh tranh nhờ cơ sở hạ tầng giao thông tương đối tiên tiến và khả năng kết nối hàng hải cao với phần còn lại của thế giới. Các cảng như Durban, Cape Town và Port Elizabeth là các cửa ngõ quốc gia và khu vực quan trọng, cũng như xử lý hầu hết các hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực.

Bất kỳ sự sụt giảm nào về hiệu quả chuỗi cung ứng do cướp biển hoặc tai nạn đều có thể tàn phá kinh tế đối với Nam Phi và các nước láng giềng. Chiến lược hàng hải quốc gia của Nam Phi phải phù hợp với các kế hoạch riêng rẽ của các nước trong khu vực, cũng như các chiến lược hàng hải của Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và Liên minh châu Phi (AU).

Do đó, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược này. Nam Phi phải đảm nhận nhiều trọng trách đảm bảo an toàn quốc tế, như tìm kiếm và cứu nạn hàng hải trong trường hợp tàu bị chìm và ứng phó thảm họa trong trường hợp sự cố tràn dầu.

Sự sụt giảm nhanh chóng của giá dầu và áp lực để đạt được quy mô kinh tế lớn dẫn đến việc sẽ sớm có nhiều tàu dầu đi qua khu vực cảng Cape (nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương). Nhiều tàu chở dầu cũng đang được đưa vào sử dụng làm kho chứa nổi.

Một vấn đề nan giải khác là Hải quân Nam Phi có nguy cơ mất phần lớn năng lực do thiếu kinh phí, khiến việc bảo vệ bờ biển và đại dương trở nên khó khăn hơn. Năm 2019, Hải quân Nam Phi đã cảnh báo lực lượng này sẽ khó có thể duy trì tốt hạm đội gồm 4 tàu khu trục và ba tàu ngầm vào năm tài khóa 2022-2023.

Mặc dù, theo Dự án “Project Biro”, Nam Phi sẽ mua 3 tàu tuần tra nội địa mới vào năm 2023, nhưng đây là những tàu thay thế cho các tàu tuần tra xa bờ lâu đời của Hải quân Nam Phi và những tàu mới này không làm tăng số lượng hoặc tầm bao quát của hải quân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục