Chiều 3/6, các thị trường châu Á “án binh” chờ dữ liệu từ Mỹ

17:11' - 03/06/2024
BNEWS Chiều 3/6, các thị trường châu Á biến động nhẹ, khi nhà đầu tư chờ báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố ngày 7/6
*Giá vàng châu Á biến động nhẹ

Phiên chiều 3/6, giá vàng châu Á gần như không thay đổi khi các nhà giao dịch chờ đợi thêm số liệu từ kinh tế Mỹ trong tuần này.

Vào lúc 14 giờ 52 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.323,87 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã tăng gần 2% trong tháng Năm vừa qua.

Nhà phân tích Kyle Rodda tại trang Capital.com nhận định, dữ liệu về việc làm tại Mỹ sẽ là chất xúc tác ngắn hạn đối với giá vàng và nếu thị trường lao động chững lại một chút, giá vàng sẽ hưởng lợi.

Theo các nhà quan sát, giới đầu tư đang chờ đợi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), cùng báo cáo việc làm công bố vào ngày 7/6, để đánh giá tình hình "sức khỏe" của kinh tế Mỹ và trả lời câu hỏi liệu có Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín hay không.

Tại Việt Nam, chiều 3/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 77,98-79,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)./.

*Chứng khoán châu Á đi lên

Trong phiên chiều 3/6, chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm khi báo cáo về tình hình lạm phát tại Mỹ giảm đã làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Số liệu mới đây cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) chậm lại so với tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Điều này đã hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PCE tăng 2,7% trong tháng Tư, bằng mức tăng trong tháng Ba. Các nhà phân tích cho rằng Fed vẫn khó có thể đưa ra quyết định dựa trên một loạt dữ liệu. Một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo Fed cần thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm.

Hiện nay, thị trường đang hướng sự chú ý vào báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố ngày 7/6. Các quan chức Fed cho rằng sự nới lỏng trên thị trường lao động là yếu tố quan trọng để họ cảm thấy đủ tự tin khi đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trả lời hãng tin Bloomberg, chuyên gia Naomi Fink của công ty quản lý tài sản Nikko Asset Management nhận định nếu lạm phát giảm dần, đây sẽ tin tốt đối với thị trường toàn cầu.

Bà Solita Marcelli thuộc UBS Group cho rằng nếu các số liệu tiếp tục củng cố kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm, Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách vào cuối năm nay, có thể là tại cuộc họp vào tháng Chín tới.

Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tăng 1,1% lên 38.923,03 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,8% lên 18.403,04 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 3.078,49 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 18,28 điểm (1,45%) lên 1.282 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,63 điểm (0,67%) lên 244,72 điểm.

*Giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch chiều 3/6, giá dầu tại thị trường châu Á không biến động nhiều, khi chi phối tâm lý của nhà đầu tư là việc các nhà sản xuất gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng sâu đến năm 2025.

Vào lúc 13 giờ 40 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 8/2024 giảm 14 xu (0,2%) xuống 80,97 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức thấp 80,55 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2024 giảm 9 xu (0,1%) xuống 76,90 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 76,39 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent đã giảm 0,6%, còn giá dầu WTI giảm 1%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu, trong đó quyết định cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024, còn thoả thuận cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên ở mức 2,2 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2024.

Ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm cho đến cuối năm 2025. Tổ chức này cũng sẽ gia hạn mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày thêm ba tháng cho đến cuối tháng 9/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục