Chính phủ Brazil họp khẩn cấp sau bê bối về chất lượng thịt

12:17' - 19/03/2017
BNEWS Một người phát ngôn Phủ Tổng thống Brazil cho biết Tổng thống Temer lo ngại vụ bê bối có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 18/3 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi và Bộ trưởng Ngoại thương Marcos Pereira, cùng đại diện các trung tâm giết mổ và sản xuất thịt sau khi xảy ra vụ bê bối sản phẩm thịt “bẩn”.

Sự việc xảy ra sau khi cảnh sát thông báo phát hiện ra một đường dây nhận hối lộ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm không đạt chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngày 17/3, cơ quan tư pháp đã ra lệnh bắt giam gần 30 người. Một nhà máy giết mổ gà thuộc tập đoàn đa quốc gia BRF và hai nhà máy sản xuất xúc xích đã buộc phải đóng cửa.

21 nhà máy đang bị điều tra và 33 nhân viên Bộ Nông nghiệp bị tình nghi có dính líu tới đường dây nhận hối lộ này đã bị đình chỉ công việc.

Phát biểu tại một buổi họp báo ở bang miền Nam Curitiba, đại diện cảnh sát thông báo các cơ sở sản xuất đã sử dụng những chất gây ung thư để làm sản phẩm có màu đẹp và mùi thơm.

Người tiêu dùng Brazil lo ngại các sản phẩm bẩn hiện đang được bày bán tại các siêu thị, bất chấp việc các tập đoàn đa quốc gia bác bỏ thông tin này.

Ngoài tập đoàn BRF, với các sản phẩm thịt mang thương hiệu Sadia và Perdigao, doanh nghiệp khác cũng đang bị điều tra là JBS - tập đoàn sản xuất thịt hàng đầu thế giới với các thương hiệu như Big Frango, Seara Alimentos và Swift. Một thông cáo của BRF ra cùng ngày khẳng định tập đoàn này không bán sản phẩm làm từ thịt ôi thiu.

Cùng ngày, Tổng thống Temer đã có buổi điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, nhưng nội dung cuộc nói chuyện đã không được tiết lộ. Brazil chỉ mới bắt đầu xuất khẩu thịt bò và sản phẩm thịt bò sang Mỹ từ năm ngoái.

Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số 1 thế giới, đồng thời đứng thứ 4 về xuất khẩu thịt lợn. Kim ngạch xuất khẩu ba sản phẩm này trong năm 2016 đạt 11,6 tỷ USD. Sản phẩm thịt của đất nước Nam Mỹ này có mặt tại 150 quốc gia. Brazil có tới 4.000 nhà máy giết mổ và sản xuất thịt.

Vụ việc xảy ra đúng lúc các nhà chức trách nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục