Chính phủ Italy dành 30 tỷ euro cho gói viện trợ năng lượng

11:30' - 06/11/2022
BNEWS Thủ tướng Meloni cho biết ngay trong tuần tới, chính phủ dự kiến công bố các biện pháp, trị giá khoảng 9,5 tỷ euro, để nhanh chóng giải quyết tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Chính phủ mới của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã thông qua kế hoạch ngân sách, sẽ dành ra khoảng 30 tỷ euro (30 tỷ USD) trong năm 2023 để giúp làm giảm tác động của chi phí năng lượng cao kỷ lục đối với các gia đình và doanh nghiệp.

 

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các thảo luận về các biện pháp ngân sách, Thủ tướng Meloni đã giải thích rằng các nguồn lực bổ sung dành cho giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được tài trợ bằng cách nâng mức thâm hụt ngân sách năm 2023, sẽ giúp Italy có thêm 23 tỷ euro để tài trợ cho kế hoạch chi tiêu của mình.

Thủ tướng Meloni cho biết ngay trong tuần tới, chính phủ dự kiến công bố các biện pháp, trị giá khoảng 9,5 tỷ euro, để nhanh chóng giải quyết tình trạng khẩn cấp về năng lượng.

Bất chấp những hứa hẹn bầu cử về lương hưu cao hơn và cắt giảm thuế, kể từ khi bắt đầu nắm quyền điều hành nền kinh tế Italy, Thủ tướng Meloni đã cam kết dành phần lớn số tiền hiện có để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tình hình tài chính công năm nay của Italy tốt hơn dự kiến, cho phép chính phủ mới, được các đối tác và tổ chức châu Âu theo dõi chặt chẽ, có thêm sự linh hoạt tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn, trong khi kiểm soát được thâm hụt.

Nội các của bà đã thông qua Tài liệu Kinh tế và Tài chính (DEF) hàng năm, tạo thành khuôn khổ sơ bộ cho luật ngân sách năm 2023, cần được gửi tới Brussels và sau đó được quốc hội Italy thông qua vào cuối năm nay.

Các nguồn tin cho biết DEF mới ấn định mức thâm hụt tài khóa năm 2022 là 5,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng so với dự báo tháng 9 là 5,1% GDP do chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Mario Draghi đưa ra.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2023 dự kiến tăng từ 3,4% lên 4,5% GDP, cho phép bà Meloni có cơ hội thực thi các biện pháp mở rộng trị giá khoảng 0,5% GDP trong năm nay và thêm 1,1% vào năm 2023 để phát triển kinh tế trong khi vẫn giữ tỷ lệ thâm hụt trên GDP theo xu hướng giảm hàng năm.

Lạm phát, theo chỉ số hài hòa của Liên minh châu Âu (EU), lên tới 12,8% trong tháng 10/2022 và đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1996, cũng đã giúp cắt giảm khoản nợ công khổng lồ của Italy. Hơn nữa, các quy tắc tài khóa của EU vẫn bị đình chỉ để giúp các nền kinh tế của khối phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, với việc lãi suất đang có xu hướng tăng, Thủ tướng Meloni phải cẩn thận để không gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường bằng cách tăng thâm hụt quá nhiều.

Chính phủ mới đã nâng dự báo tăng trưởng của Italy năm 2022 lên 3,7% từ mức 3,3% trước đó, trong khi giữ nguyên dự báo năm 2023 ở mức 0,6%.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti cho biết cách tiếp cận ngân sách là "thực tế và bền vững". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng rủi ro suy thoái vẫn đang rình rập ở châu Âu và cũng có thể ảnh hưởng đến Italy và chính phủ đã “sẵn sàng đối mặt với khó khăn”./.

>>>Chính phủ mới của Italy điều chỉnh các chính sách của chính quyền tiền nhiệm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục