Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học

21:58' - 14/09/2022
BNEWS Ngày 14/9, Chính phủ Mỹ đã công bố chi tiết mới về kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học.

Ngày 14/9, Chính phủ Mỹ đã công bố chi tiết mới về kế hoạch đầu tư hơn 2 tỷ USD vào lĩnh vực công nghệ sinh học của Mỹ tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhà Trắng nhằm thảo luận về ngành công nghiệp mới nổi này.

Trước đó, ngày 12/9, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp khởi động sáng kiến về sản xuất các sản phẩm sinh học và công nghệ sinh học trong nước.

Tới ngày 14/9, Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các quan chức Chính phủ hàng đầu và các bộ trưởng để thảo luận về kế hoạch quản lý đơn đặt hàng và phân bổ nguồn tiền.

Sắc lệnh hành pháp trên cho phép Chính phủ liên bang tài trợ trực tiếp cho việc sử dụng vi khuẩn và các nguồn tài nguyên sinh học khác để sản xuất thực phẩm, phân bón và hạt giống mới, cũng như làm cho hoạt động khai thác hiệu quả hơn. Nó cũng sẽ giúp tài trợ cho một chương trình đột phá về y tế, chẳng hạn như vaccine ngăn ngừa ung thư hoặc xét nghiệm máu hàng năm để có thể phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể.

Kế hoạch chi tiêu này bao gồm 1 tỷ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ để tài trợ cho cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp sinh học trong nước trong vòng 5 năm nhằm thúc đẩy lĩnh vực này và giúp các nhà sáng chế của Mỹ có thể tiếp cận được.

Các khoản chi khác bao gồm chương trình tài trợ 250 triệu USD do Bộ Nông nghiệp quản lý để hỗ trợ sản xuất phân bón bền vững của Mỹ. 40 triệu USD khác sẽ được sử dụng để mở rộng vai trò của sản xuất các sản phẩm sinh học đối với các thành phần dược phẩm hoạt tính, thuốc kháng sinh và các nguyên liệu chính cần thiết để sản xuất thuốc và ứng phó với đại dịch.

Chính phủ liên bang sẽ tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học thông qua Viện Y tế Quốc gia (DoA) và các cơ quan khác. Nhìn chung, tổng số tiền mà Chính phủ Mỹ tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) đã giảm kể từ mức đỉnh ghi nhận vào những năm 1950, một xu hướng mà ông Biden đã cam kết sẽ đảo ngược trong thời gian cầm quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục