Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định sử dụng công cụ thống kê ngoại thương

11:14' - 25/02/2017
BNEWS Cách tính mới đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý cho rằng phương pháp thống kê mới phản ánh thực tế tình trạng mậu dịch của Mỹ.
Chính quyền Donald Trump dự định sử dụng công cụ thống kê ngoại thương. Ảnh: Reuters

Đài RFI, TNHK (Đêm 23/2): Theo giới phân tích, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định thay đổi phương pháp thống kê thương mại với ý định làm tăng ảo tỷ số thâm hụt cán cân thương mại và để gây sức ép với Quốc hội nhằm ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.

Theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, một phương pháp mới để đo lường thâm hụt trong trao đổi thương mại đã được chính quyền Trump sử dụng. Các cơ quan đại diện Mỹ về ngoại thương đã phải cung cấp số liệu về cán cân thương mại qua cách tính mới.

Cụ thể là trong báo cáo, phần “tái xuất khẩu” hàng hóa không còn xuất hiện trong thống kê. Nói cách khác, những mặt hàng như xe ô tô của Mỹ chế tạo tại Mexico, quá cảnh tại Mỹ, bán sang Canada hay ở các nước khác không còn nằm trong danh sách hàng xuất khẩu.

Một khi các loại hàng hóa tái xuất khẩu bị đưa ra khỏi thống kê xuất-nhập thì tự nhiên mức thâm hụt thương mại của Mỹ tăng vọt lên một cách giả tạo. Tỷ lệ nhập siêu sẽ còn tăng thêm nếu hàng tái xuất bị hủy bỏ ở cột “xuất” mà vẫn giữ nguyên ở cột “nhập”.

Theo AFP, cách tính mới đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý cho rằng phương pháp thống kê mới phản ánh thực tế tình trạng mậu dịch của Mỹ.

Trái lại những người khác thì tố cáo thâm ý của Tổng thống Donald Trump là muốn dùng những số liệu phóng đại này để thuyết phục lập pháp ủng hộ chủ trương “nước Mỹ là trên hết” của lãnh đạo hành pháp.

Chuyên gia Lori Wallach của tổ chức cấp tiến Public Citizen nhận định rằng với cách tính này, nhập siêu giữa Mỹ và Mexico, sẽ tăng từ 60 tỷ USD lên 109 tỷ USD. Tổng thống Donald Trump sẽ khai thác con số này để thuyết phục thêm một số nghị sĩ chống Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Cùng quan điểm, cựu Bộ trưởng Thương mại Larry Summers dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho rằng đây là một phương pháp thống kê “nguy hiểm” nhằm khuyến khích xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Theo chuyên gia Caroline Freund của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Institute for International Economics ở Washington, nếu không tính lượng hàng tái xuất khẩu thì mức thâm hụt của kinh tế Mỹ sẽ được phóng đại một cách phi lý.

Dù vậy, không có gì bảo đảm phương pháp thống kê mới sẽ giúp Tổng thống Donald Trump đạt được mục tiêu. Trái lại, nó có thể là đòn “gậy ông đập lưng ông”. Thao túng số liệu sẽ làm chính quyền Trump mất uy tín.

Trả lời phỏng vấn của AFP, bà Jeannine Aversa, phát ngôn viên của Phòng phân tích kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ bảo đảm đến hôm nay, chưa có đề nghị chính thức nào về việc thay đổi phương pháp thống kê.

Trong suốt mùa tranh cử, ông Trump luôn chỉ trích các số liệu thống kê chính thức từ tỷ lệ thất nghiệp đến kết quả bầu cử hay số lượng ủng hộ viên tham gia lễ nhậm chức của ông.

Liệu chính quyền Trump có thể ngụy tạo các số liệu chính thức hay không? Katherine Wallman, nguyên là người phụ trách thống kê của Nhà Trắng cho rằng chủ nhân mới không làm gì được vì có nhiều chốt phối kiểm. T

uy nhiên, bà cảnh báo rằng với chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ quan thu thập dữ liệu, chất lượng của thống kê cũng sẽ giảm theo.

Trước cuộc bầu cử tháng 11/2016, các phân tích dựa vào truyền thống cho rằng ông Donald Trump lên làm Tổng thống sẽ không tốt cho kinh tế.

Nhưng một tháng đã trôi qua kể từ khi ông nhậm chức, tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng, doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục thuê mướn lao động, và thị trường tài chính Phố Wall tiếp tục giai đoạn tăng điểm dài nhất kể từ năm 1999.

Mặc dù vậy, kinh tế gia Mark Zandi thuộc của tập đoàn Moody’s, người đã chỉ trích các kế hoạch kinh tế của ông Trump ngay từ khi vị tỷ phú này đắc cử Tổng thống, vẫn giữ nguyên quan điểm rằng ông Trump không phải là tin tốt cho kinh tế Mỹ.

Ông Zandi cho rằng tân Tổng thống chưa thực hiện những lời hứa về chính sách khi tranh cử. Theo ông Zandi, điều ông Trump muốn là trục xuất 11 triệu người lao động không có giấy tờ, tăng thuế lên 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và 35% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico.

Ông Trump cũng muốn giảm thuế và tăng chi tiêu của chính phủ và cách làm đó sẽ tăng thêm thâm hụt ngân sách 10.000 tỷ USD trong 10 năm, do đó nếu đó là những mục tiêu ông Trump muốn đạt đến, thì điều đó sẽ đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng.

Các nhà phân tích khác nói rằng thị trường chứng khoán tăng liên tục phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư đối với các chính sách của ông Trump, song theo Tập đoàn tài chính Goldman Sachs, niềm phấn khởi đối với nghị trình kinh tế của ông Trump có lẽ sẽ không lâu bền.

Bên cạnh đó, kinh tế gia Mark Zandi nói rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ tác động lên nền kinh tế hay không còn tùy thuộc vào các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Họ ủng hộ giảm thuế và chống việc tăng chi tiêu chính phủ và tăng thâm hụt.

Tuy nhiên, nếu các nhà lập pháp cho phép giảm thuế mạnh thì ai sẽ cấp tiền cho các dự án phát triển hạ tầng với mục tiêu tạo công ăn việc làm và ai sẽ trả tiền cho bức tường biên giới khổng lồ với Mexico như trong kế hoạch của Tổng thống Donald Trump./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục