Chính sách thương mại của EU: Tận dụng tối đa tiến trình toàn cầu hóa

05:30' - 26/06/2019
BNEWS Chính sách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) là một công cụ trung tâm để đối phó với những thách thức do toàn cầu hóa tạo ra và biến các tiềm năng của tiến trình này thành lợi ích thực sự.

No Title

Trụ sở tổ chức WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Đặc trưng của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế là sự gia tăng trao đổi thương mại quốc tế cùng với sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế trên cấp độ toàn cầu. EU áp dụng chính sách thương mại chung cho tất cả các quốc gia thành viên, trên cấp độ EU chứ không phải ở cấp quốc gia. 

Điều này cho phép EU gia tăng trọng lượng của mình trong các cuộc đàm phán song phương cũng như tại các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mục tiêu chính của chính sách thương mại châu Âu là tăng cơ hội giao thương cho các công ty châu Âu nhờ vào việc loại bỏ các rào cản thương mại (như thuế quan và hạn ngạch) và bằng cách đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Đây là một chính sách chủ đạo đối với nền kinh tế châu Âu vì nó ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm. Hơn 36 triệu việc làm tại EU phụ thuộc vào ngành xuất khẩu. Trung bình cứ 1 tỷ euro xuất khẩu ra các thị trường ngoài EU sẽ tạo ra 13.000 việc làm cho người lao động trong khối.

EU đưa ra các chính sách về thương mại với mục đích bảo vệ người dân châu Âu bằng cách đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu phải tôn trọng những quy tắc bảo vệ người tiêu dùng. EU cũng sử dụng chính sách thương mại của mình để thúc đẩy vấn đề nhân quyền, các tiêu chuẩn về xã hội và an ninh, tôn trọng môi trường và phát triển bền vững.

Chính sách thương mại của EU bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, các phương diện thương mại của sở hữu trí tuệ (như bằng sáng chế) và mua sắm công.

Chính sách này được cấu thành bởi ba yếu tố chính: Các hiệp định thương mại với các nước ngoài EU để mở ra thị trường mới và gia tăng cơ hội phát triển thương mại cho các công ty EU; Quy định thương mại nhằm bảo vệ các nhà sản xuất EU trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Quan hệ EU và WTO, nơi đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế. Các nước EU cũng là thành viên của tổ chức này, nhưng Ủy ban châu Âu là người đàm phán thay mặt họ.

Về vấn đề hiệp định thương mại, các hiệp định thương mại được đàm phán với các quốc gia ngoài EU để đảm bảo cơ hội giao dịch tốt nhất.

Trọng tâm của tất cả các thỏa thuận là giảm các rào cản về thương mại và đảm bảo đầu tư. Có ba loại hiệp định thương mại: Hiệp định hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển (vùng Caribbean, Thái Bình Dương và châu Phi); Hiệp định thương mại tự do với các nước phát triển; Hiệp định liên kết tăng cường các thỏa thuận chính trị lớn hơn ví dụ như Liên minh Địa Trung Hải.

Liên quan đến quy định về bảo hộ đầu tư, EU có các quy tắc để bảo vệ các công ty châu Âu trước những hành vi thương mại không công bằng và những biện pháp không lành mạnh như bán phá giá hoặc trợ cấp để đưa ra mức giá thấp giả tạo so với các sản phẩm cùng loại của châu Âu.

Hàng hóa của châu Âu cũng có thể phải đối mặt với các rào cản về hải quan hoặc hạn ngạch từ bên ngoài. Nếu các tranh chấp thương mại không thể được giải quyết, xung đột có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào EU cũng được quy định chặt chẽ. Vào tháng 2/2019, các nghị sĩ đã thông qua một cơ chế sàng lọc mới để đảm bảo rằng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược không gây tổn hại đến lợi ích và an ninh của châu Âu.

Quan hệ EU và WTO là rất chặt chẽ. WTO có hơn 160 thành viên và chiếm đến 98% trao đổi thương mại toàn cầu. Cơ chế này được lập ra nhằm mục đích giữ cho hệ thống giao dịch thế giới công bằng với việc đưa ra các quy tắc chung cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia.

EU ủng hộ mạnh mẽ WTO và đóng một vai trò trung tâm trong việc phát triển hệ thống thương mại quốc tế. EU theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán thương mại đa phương của WTO. Nghị viện châu Âu theo sát các cuộc đàm phán như vậy thông qua các báo cáo đánh giá cải tiến. EU cũng sử dụng các quyền quyết định và thực thi của mình tại WTO khi có tranh chấp thương mại. 

Chính sách thương mại là một thẩm quyền độc quyền của EU. Điều này có nghĩa là chính sách này được áp dụng thống nhất trên toàn EU chứ không phải là các quốc gia thành viên đơn lẻ. EU có quyền ban hành luật về các vấn đề thương mại và ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, theo điều 207 của Hiệp ước về chức năng của EU.

Từ Hiệp ước Lisbon (2007), Nghị viện châu Âu trở thành nhà đồng lập pháp về thương mại và đầu tư với Hội đồng châu Âu - đại diện cho các quốc gia thành viên. Các hiệp định thương mại quốc tế chỉ có thể có hiệu lực nếu Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua. Nghị viện châu Âu cũng có thể tác động đến các cuộc đàm phán về thương mại bằng cách thông qua các nghị quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục