Chính sách thương mại của Mỹ: Hai ứng cử viên Tổng thống nhìn về cùng một hướng

06:30' - 30/08/2024
BNEWS Bà Kamala Harris và ông Donald Trump, hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ, đều ủng hộ áp thuế đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, song họ có những cách tiếp cận khác nhau.

Khi ông Donald Trump tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, việc áp thuế nhập khẩu không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính trị gia trong nước. Nhiều nghị sĩ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cho rằng áp thuế sẽ gây tổn thất kinh tế và coi tự do thương mại là giải pháp tốt nhất cho tăng trưởng. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi cơ bản vào năm 2024.

Dù ông Trump và bà Harris có nhiều khác biệt trong các đề xuất tranh cử của mình, nhưng cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều ủng hộ việc áp thuế như một công cụ cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Đây là sự đảo ngược so với nhiều thập kỷ trước đây, khi phần lớn giới chức chính trị Mỹ nỗ lực hạ thuế thay vì tăng thuế.

Tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất tại Mỹ do toàn cầu hóa, cùng với việc Trung Quốc cung cấp hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, đã tạo ra một làn sóng phản kháng đối với thương mại tự do từ cả hai đảng. Trước thực tế ông Trump thắng cử năm 2016 nhờ đánh trúng tâm lý chống thương mại mở, đảng Dân chủ cũng đang tìm cách tránh mất phiếu từ nhóm cử tri phản đối tự do thương mại.

Ông Nick Iacovella, Phó Chủ tịch cấp cao của Liên minh vì nước Mỹ thịnh vượng (CPA) nhận định, về chính sách kinh tế và các vấn đề thương mại, cả hai đảng đều nhìn về cùng một hướng. Theo ông Iacovella, ông Trump chắc chắn sẽ áp dụng chính sách thuế mạnh mẽ hơn bà Harris. Tuy nhiên, bất kể ai chiến thắng, chính quyền tiếp theo vẫn sẽ thiên về áp thuế.

Bà Harris đã nỗ lực làm nổi bật sự khác biệt trong các đề xuất thương mại của mình so với ông Trump, người đã từng đề xuất áp thuế từ 10-20% đối với phần lớn hàng nhập khẩu và mức thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng mức thuế này có thể khiến giá cả tăng vọt, vì các công ty sẽ chuyển chi phí cao lên người tiêu dùng.

Tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) diễn ra tại Chicago tuần trước, bà Harris đã mô tả đề xuất của ông Trump là “thuế doanh thu toàn quốc” và nên gọi đó là “thuế Trump”. Bà cho rằng phương pháp này sẽ khiến một hộ gia đình trung lưu tại Mỹ phải chi thêm khoảng 4.000 USD mỗi năm.

Bà Harris không đi sâu vào chi tiết về cách tiếp cận cá nhân của mình đối với thuế quan, đặc biệt là việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Charles Lutvak, người phát ngôn của chiến dịch tranh cử Harris-Walz, cho biết bà Harris sẽ áp dụng chính sách thuế có mục tiêu và chiến lược để hỗ trợ người lao động Mỹ, tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế Mỹ.

Dù chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt thuế đối với Trung Quốc và mới đây đã áp thuế bổ sung trị giá 18 tỷ USD đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm mức thuế 100% đối với xe điện. Ngoài ra, dưới thời ông Biden, Mỹ cũng áp thuế mới đối với pin xe điện, sản phẩm bán dẫn, thép và đồ y tế, nhằm đảm bảo rằng các nhà máy mới đầu tư tại Mỹ có thể hoạt động hiệu quả.

Theo bà Inu Manak, chuyên gia về thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cả hai đảng đều sẵn sàng đưa ra các tuyên bố về việc tăng thuế mà không lo ngại về hậu quả tiêu cực.

Các chính sách áp thuế mà ông Trump đề xuất có mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các biện pháp của chính quyền ông Biden. Ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ các nước và 60% đối với hàng từ Trung Quốc, cùng với chính sách thuế “có đi có lại”, nâng thuế lên mức tương đương mà các đối tác thương mại áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng mức thuế này nếu được thực hiện có thể ảnh hưởng sâu rộng đến giá tiêu dùng, đồng thời làm tăng chi phí của các nhà sản xuất Mỹ vốn phải nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc hàng trung gian. Khoảng 1/3 tổng hàng nhập khẩu của Mỹ là đầu vào cho sản xuất và nông nghiệp.

Mức thuế cao cũng có thể kích hoạt phản ứng trả đũa từ các quốc gia khác và có thể dẫn đến chiến tranh thương mại. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết mức thuế phổ quát 10% mà ông Trump dự kiến áp dụng có thể dẫn đến sự suy giảm cho tất cả các bên, gây ra bất ổn và tình trạng thiếu chắc chắn trong hoạt động thương mại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục