Chốn bình an tìm về

08:32' - 10/02/2021
BNEWS Những món ăn bình dị của làng Chuông (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) xứ Đoài bao năm trở thành phần tâm hồn, chốn bình an cho tôi tìm về sau những bộn bề mưu sinh cuộc sống.

“Thế tuần này về thích gì, mẹ mua ra cho”, trong câu chuyện của mẹ và vợ tôi, ít khi thiếu câu hỏi trên sau rất nhiều những lời hỏi han tình hình con cháu hay kể chuyện người nọ, người kia, việc làng, việc họ.

Tôi biết vợ tôi sẽ trả lời rằng: “Nhà vẫn còn nhiều, đã ăn hết đâu mẹ!” hay “Bà ngoại cũng vừa mới mua cho thứ nọ, thứ kia…” 

Nhưng như sực nhớ ra điều gì quan trọng, cô con dâu lại hỏi vội mẹ chồng: “À, mẹ ơi, ngoài chợ giờ đã có thức này, thức kia chưa ạ?”

“Vạn tạ, thiếu gì”, mẹ tôi cười khà khà. Người làng tôi vẫn thường dùng từ “vạn tạ” khi chỉ những gì có rất nhiều. Từ đời các cụ đã dùng vậy, tôi cũng quen với cách nói vậy từ nhỏ. 

Mỗi cuối tuần về quê ra, tôi thường lại chất đầy xe “đồ nhà quê” của mẹ gửi cho con, cho cháu, cho ông bà thông gia hoặc thậm chí là bác hàng xóm ngoài này nhờ mua hộ.

Nói là quê chứ thực ra nhà tôi cách trung tâm thành phố hơn 30 cây số. Nhiều bạn bè, anh chị tôi vẫn đi đi về về trong ngày. Tôi, vì đặc thù công việc không cố định giờ giấc lại cũng vì vợ không quen đi lại nhiều nên cố bám trụ trong thành phố này.

Sự ồn ào, náo nhiệt, những cửa hiệu sáng choang, xe cộ tấp nập… tôi quen dần với cuộc sống thành thị từ hồi khăn gói đi ôn thi và vào đại học. Nhưng cứ tới cuối tuần, tôi vẫn nhớ ngôi nhà, mảnh vườn, cánh đồng, khu chợ quê tôi. 

Những món ăn bình dị của quê nhà, nét cười, tiếng nói của người làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) xứ Đoài bao năm trở thành phần tâm hồn, chốn bình an cho tôi tìm về sau những bộn bề mưu sinh cuộc sống. 

Về bên cha mẹ để mãi được chiều chuộng, mãi là trẻ nhỏ, được khen, bị mắng. Tôi muốn về để ra vườn hái ít rau sam, rau dền, rau mảnh cộng rồi nấu bát canh mùa hè ngọt lịm.

Mỗi lần về, tôi lại ra chợ tìm mua mấy con cá nhỏ. Cá ấy mua về rán giòn, chấm nước mắm tỏi ớt, thêm bát canh rau muống luộc, sung muối, cà muối hay dưa chua là no nê hai ba bát cơm.

Quê tôi có đồng lúa vào cuối vụ gặt, vịt chạy đầy đồng. Tôi thường đi xin các cô chú mấy ôm rơm rồi bắt con vịt về hun, làm món giả cầy. Rơm lấy nhiều quá, chất thành đống nho nhỏ, thế là mấy đứa nhỏ trong xóm chạy ra chơi nghịch. Chúng chắc không biết niềm vui, càng không biết nỗi khổ của chị em tôi ngày xưa, cả ngày thơ thẩn bên đống rơm đợi mẹ. Chơi ở đấy rồi cũng nằm lăn ra đấy ngủ. Tuổi thơ khốn khó mà bình dị, ngọt ngào.

Về quê, tôi lại được lạc vào những vườn cây trĩu quả, ao cá, luống rau. Tôi sẽ ra nhà bác hái táo, hái bưởi, câu cá.

Về quê những ngày lễ chạp, tôi cũng xắn tay áo, xắn ông quần cùng các chú, các anh mổ lợn, làm cỗ. Muốn về những ngày một nhà có đám là cả xóm xôn xao, toàn bắc rạp làm cỗ bên nhà họ hàng, làng xóm. Ở làng tôi, cỗ bàn chủ yếu do nam giới đứng bếp, sắp mâm; phụ nữ chủ yếu lo đi chợ, nhặt rau, rửa bát. Tới bữa, trừ các cụ trưởng họ, trưởng chi, bậc bề trên lão làng thì phụ nữ, trẻ em được ưu tiên hàng kế tiếp. 

Những ngày giáp Tết, mẹ thường giục chúng tôi về giúp mẹ đi chở gạo, chở đỗ để chuẩn bị gói bánh chưng. Về những ngày cuối tháng Chạp, có một tập tục chúng tôi không thể bỏ qua. Sáng hoặc chiều 29, 30 Tết, chúng tôi vác cuốc ra đồng, nhổ cỏ, đắp lại phần mộ của các cụ tổ tiên, rồi thắp nén nhang thơm mời các cụ về ăn Tết.

Rồi mùa nào thức nấy, tủ lạnh nhà tôi như một phần cái chợ quê tôi vậy. Thức đầu mùa còn non xanh, thức giữa mùa ngọt mát, tràn trề hay cuối mùa, hơi cằn, dai ngoách. 

Rau ngót trồng thành rặng ven vườn, bầu treo lủng lẳng ngoài sân, đu đủ chín cây sau nhà, đậu bắp ăn mãi chả hết. Ngay cây ớt ở góc vườn, quả xanh cũng hái mà quả chín cũng chẳng chừa. Mua được con cá ngoài chợ thì lại nhớ tới cây giềng nhà mình đã đào được củ hay ra hái ít cúc tần kho cùng.

Mua con vịt về nhà tự làm vì nhà có cây khế, đun nước cùng lá khế này thì làm vịt vừa nhanh vừa sạch. Tết gói bánh chưng thì giã lá riềng lấy nước trộn vào gạo cho xanh bánh. Nhà lúc nào cũng sẵn mấy con gà đẻ trứng, trứng ấy để riêng cho bọn trẻ con ăn. 

Ai cũng biết giờ siêu thị chả thiếu rau ngót, trứng gà, đu đủ hay củ gừng, củ riềng, mà tôi cứ vấn vương mấy cái của nhà trồng được. Tôi nghĩ nó hút chất từ mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên, nó hít cái bầu không khí làng quê ấy. Ngày ngày, nó nghe cha tôi nói chuyện, nghe mẹ tôi hát, nghe cháu tôi bi bô. Tự nhiên, tôi thấy ghen tỵ với nó mà cũng thấy nó thân thương quá.

Có lẽ nào, con tôi, vợ tôi đang sống nơi thành phố này, khi nhìn ngắm những thức quà bà và mẹ chồng gửi ra cũng cảm thấy thân thương, gần gũi?

“À, thế ăn hết bỏng chưa? Để mẹ mua gửi ra cho một ít nhé!” Vợ tôi cười hì hì. Một ít của mẹ cũng là một túi to cồng kềnh, bọc hết lớp này tới lớp khác vì sợ bỏng bị ỉu. Tôi cằn nhằn nhưng vẫn cố tìm chỗ nào chằng chéo nó vào giữa vô vàn rau cá. Đôi khi, còn là cả cái cây con bà hàng xóm xin về trồng trong thùng xốp hay cái nón vợ nhờ mua hộ ai đó.

Những lúc ấy, bố mẹ tôi ở quê lại xuýt xoa, cố mà làm ăn để mua lấy cái ô tô, cuối tuần, vợ chồng con cái đưa nhau về, chả sợ mưa nắng. Tôi cười cười: “Con đi, cuối tuần con về!”

Con đường làng giờ không còn bùn đất, cánh đồng ngày xưa sao tôi thấy rộng thế, giờ đi xe vút qua chưa được mấy phút. Tôi chỉ mong làng mình có đổi thay thì vẫn giữ được nét quê, tình quê, để đi và muốn được về!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục