Chủ nghĩa "guochao" khiến giới trẻ Trung Quốc rời bỏ thương hiệu thời trang Uniqlo

18:50' - 20/06/2023
BNEWS Thương hiệu thời trang Uniqlo có khả năng không đạt mục tiêu tăng doanh thu gấp ba lần trong 10 năm tới, khi ngày càng mất dần những người mua sắm trẻ Trung Quốc.
Fast Retailing, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Uniqlo, có khả năng không đạt mục tiêu tăng doanh thu gấp ba lần, lên 10.000 tỷ yen (71 tỷ USD), trong 10 năm tới, khi ngày càng mất dần những người mua sắm trẻ Trung Quốc - thị trường mang lại doanh thu lớn nhất cho Uniqlo.

 
Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki cho biết doanh thu trên mỗi cửa hàng ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan, đạt 169 triệu yen (1,19 triệu USD) trong quý từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023, giảm 12% so với giai đoạn tháng 12/2018-2/2019, giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Con số này thậm chí thấp bằng một nửa so với doanh thu của mỗi cửa hàng Uniqlo tại thị trường quê hương Nhật Bản của Uniqlo, đã tăng 6% lên 315 triệu yen trong cùng thời điểm.

Nhà phân tích Sho Kawano thuộc Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất gây ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của công ty. Xu hướng guochao, hay còn được gọi là China chic - sự thay đổi sở thích mua sắm của giới trẻ Trung Quốc với tinh thần chủ đạo là chủ nghĩa tiêu dùng dân tộc, thiên về tiêu dùng các thiết kế mang đậm yếu tố Trung Quốc - bùng nổ vào năm 2021 cũng là một yếu tố lớn khiến giới trẻ Trung Quốc “quay lưng” với các thương hiệu thời trang quốc tế.

Người mua sắm Gen Z (thế hệ sinh trong khoảng từ năm 1995 - 2012) tại Trung Quốc đang quay sang tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm nội địa đã được cải thiện chất lượng và thiết kế. Sự yêu thích của nhóm này đối với các thương hiệu nước ngoài cũng sụt giảm nghiêm trọng. Mặc dù Fast Retailing cho biết hoạt động kinh doanh của Uniqlo ở Trung Quốc đại lục đã "phục hồi rõ rệt kể từ tháng Một", nhưng sức hấp dẫn của nhãn hàng, với tư cách là một thương hiệu Nhật Bản chất lượng, có thể đang bị giảm sút.

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Fast Retailing. Thị trường này chiếm 23% tổng doanh thu và 28% lợi nhuận của công ty trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, doanh thu tại thị trường này đã giảm 17%, xuống còn 83,4 tỷ yen (590 triệu USD) so với cùng kỳ của năm 2019. Fast Retailing có 1.028 cửa hàng kinh doanh thương hiệu Uniqlo tại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 2/2023, nhiều hơn số lượng cửa hàng hiện có ở Nhật Bản và chiếm hơn 1/4 tổng số cửa hàng trên toàn cầu của công ty.

Nếu Fast Retailing không nhanh chóng thu hút trở lại phân khúc khách hàng trẻ Trung Quốc, thì chiến lược tăng trưởng tổng thể của công ty có thể gặp rủi ro.

Vào tháng 4/2023, tại cuộc họp công bố báo cáo doanh thu của năm, Giám đốc điều hành (CEO) của Fast Retailing, Tadashi Yanai, đã thông báo các mục tiêu mới của công ty, trong đó nhấn mạnh tới mục tiêu tăng gấp ba lần doanh số bán hàng trên toàn hệ thống trong 10 năm tới. Dựa trên triển vọng này, Fast Retailing dự kiến đạt 3.000 tỷ yen doanh thu vào năm 2024 và 10.000 tỷ yen sau 10 năm nữa.

Ông Yanai nhấn mạnh thị trường nước ngoài là “chìa khóa” của kế hoạch, trong đó Trung Quốc, một số thị trường châu Á khác, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ đóng vai trò trọng điểm, mang lại nguồn doanh thu tốp đầu cho Uniqlo trong vòng 5 năm tới.

Theo công ty chuyên về đo lường kinh tế Euromonitor, trong năm 2022, Fast Retailing nắm giữ 1,3% thị phần may mặc tại Trung Quốc. Giả sử tất cả các thị trường của Fast Retailing đều đạt sự tăng trưởng đồng đều, công ty sẽ cần tăng thị phần lên khoảng 5% để đạt được mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ yen.

Tuy nhiên, điều này rất khó để có thể đạt được, đặc biệt là khi Uniqlo ngày càng vấp phải sự cạnh tranh “khốc liệt” từ các đối thủ nội địa Trung Quốc, như nhà sản xuất đồ thể thao Li-Ning đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thời trang sang trọng mới trong giới trẻ nước này.

Bên ngoài Trung Quốc, Fast Retailing cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Inditex, công ty may mặc lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha. Đây là công ty mẹ của nhãn hiệu thời trang Zara, hiện đang nắm giữ 3,6% thị trường quần áo thời trang ở Bắc Mỹ và châu Âu, cao gấp gần 10 lần thị phần của Fast Retailing./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục