Chứng khoán Mỹ nhận lực đẩy từ tín hiệu lạc quan trong đàm phán Mỹ-Trung

12:02' - 16/11/2019
BNEWS Chuyên gia cho rằng miễn là có các dấu hiệu tích cự thì sự chậm trễ trong việc chính thức hóa thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là xấu đối với những tài sản rủi ro.
 Giao dịch viên làm việc tại Sàn Giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 4/11/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều đóng cửa ở những mức kỷ lục mới trong phiên 15/11, nhờ những lực đẩy từ tâm lý lạc quan về khả năng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt.

Phiên này trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 222,93 điểm (0,8%), khép phiên ở mức 28.004,89 điểm, chỉ số S&P 500 tiến 23,83 điểm (0,77%) lên 3.120,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 61,81 điểm (0,73%) lên 8.540,83 điểm.

Nhìn chung, chỉ số S&P 500 đã tăng tuần thứ sáu liên tiếp, chuỗi tăng theo tuần dài nhất trong khoảng hai năm qua. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên “công phá” ngưỡng 28.000 điểm.

Theo ông Jason Pride, quản lý đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản tư nhân Glenmede, yếu tố chủ đạo tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là sự lạc quan xung quanh đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Trước đó, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho biết rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, viện dẫn tới những gì ông gọi là các cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Bắc Kinh.

Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tiếp đạt những mức cao kỷ lục mới chủ yếu nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ, bao gồm chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), báo cáo kinh doanh quý III của các công ty đều lạc quan hơn kỳ vọng, bên cạnh những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sắp chạm đáy và các diễn biến có phần lạc quan hơn trong quan hệ thương mại  Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sự không chắc chắn xung quanh đàm phán thương mại Washington – Bắc Kinh vẫn là một yếu tố tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro. Điều này được thể hiện thông qua việc mở đầu tuần này vào ngày 11/11, các chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/11 nói rằng Mỹ sẽ chỉ đạt thỏa thuận với Trung Quốc nếu đó là thỏa thuận thích hợp đối với Washington.

Ông Trump cũng nhấn mạnh các cuộc đàm phán diễn tiến chậm hơn so với mong muốn của ông, cho rằng Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận hơn là Mỹ.

Nhưng sau đó, cũng chính các phát biểu của ông Trump đã giúp các thị trường tăng điểm trong phiên 12/11, khi Tổng thống Mỹ nói rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã “rất gần”.

Chuyên gia Karl Haeling thuộc LBBW cho hay dù ông Trump đưa ra những bình luận ít rõ ràng hơn về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, song miễn là các dấu hiệu tích cực, sự chậm trễ trong việc chính thức hóa thỏa thuận này không phải là xấu đối với những tài sản rủi ro.

Sang phiên 13/11, những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại phiên điều trần trước Quốc hội đa phần đã đáp ứng được những kỳ vọng của nhà đầu tư. Ông Powel cho biết các đợt cắt giảm lãi suất của Fed từ tháng 7-10 vừa qua đã tạo ra "sự đảm bảo" trước các nguy cơ hiện hữu.

Hai chỉ số chính là Dow Jones và S&P 500 đều đóng phiên ở mức cao mới dù nửa sau của phiên giao dịch xuất hiện một báo cáo mới của Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết các quan chức Trung Quốc ngần ngại trong việc chính thức đồng ý mua lượng hàng nông sản khổng lồ từ Mỹ. Nasdaq giảm nhẹ 0,1% trong phiên này.

Nhưng chỉ có chỉ số S&P 500 duy trì được đà tăng sang phiên ngày 14/11, trong khi Dow Jones và Nasdaq đều đi xuống do lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu và tiến trình cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

>> Chính phủ Mỹ đề xuất tăng gần gấp đôi lệ phí nhập tịch Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục