Chứng khoán tuần tới: Cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn dần co hẹp

11:40' - 24/05/2020
BNEWS Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và cơ hội kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn đang dần co hẹp lại.

VN-Index vừa trải qua tuần thứ ba tăng điểm liên tiếp. Dù vậy, việc thanh khoản sụt giảm đang cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư.

Trước diễn biến này, các nhà phân tích tại công ty chứng khoán nhận định, xu hướng của thị trường chứng khoán hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và sự lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang dần co hẹp.

*Có thể gặp khó tại vùng cản mạnh

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, thị trường chứng khoán đã chìm vào sắc đỏ của phiên cuối tuần (22/5) mặc dù trước đó thị trường đã có ngày rất hào hứng.

Xu hướng của thị trường chứng khoán hiện tại đang đi vào giai đoạn khó khăn và sự lựa chọn cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang dần co hẹp lại.

Do vậy các nhà đầu tư cần thận trọng trong thời điểm này và cố gắng hạn chế giải ngân khi chưa có tín hiệu tốt của thị trường, VDSC khuyến nghị.

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank nhận định, thị trường sẽ gặp khó tại vùng cản mạnh 870 - 880 điểm, trong ngắn hạn rủi ro ngày càng tăng cao trong khi các cơ hội ít dần.

Do đó nhà đầu tư tiếp tục thận trọng theo khuyến nghị đã đưa ra; giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế mua đuổi.

Nhà đầu tư nên chú ý tới các nhóm ngành như nhiệt điện, phân bón, nhóm được hưởng lợi đầu tư công và nhóm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, sau khi quay trở lại ngưỡng kháng cự 860 điểm, thị trường ngay lập tức điều chỉnh tại mức này.

Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực, thanh khoản suy giảm nhẹ và biên độ dao động không đổi cho thấy tâm lý chốt lãi khá mạnh trên thị trường. Với xu hướng này, VN-Index có thể sẽ tích lũy quanh vùng 835 - 880 điểm trong giai đoạn tới.

Thực tế, nếu nhìn tổng quát cả tuần qua (từ 18-22/5), thị trường vẫn giữ được sự tích cực khi hầu hết các nhóm cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tăng rất mạnh với CTG tăng 9,1%, VCB (6,6%), TCB (4%), ACB (3,2%), BID và MBB đều tăng 1,8%, VPB tăng 1,3%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ tình hình giá dầu thế giới. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 12,6% và 8,1%, ghi dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Điều này giúp những mã cổ phiếu trụ cột ngành dầu khí bứt phá. Cụ thể, PLX và GAS đều tăng 4,3%, PVD (2,9%), POW (1%)…

Bên cạnh đó, tuần qua là tuần tăng “bùng nổ” của cổ phiếu thép. Các “ông lớn” ngành thép đều có mức tăng rất mạnh, với HPG tăng 16%, HSG (9,6%), NKG (6,3%)...

Ngoài ra, đà tăng của thị trường còn nhận được sự ủng hộ từ các mã vốn hóa lớn đầu ngành như: VNM tăng 3,3%, SAB tăng 1,1%, FPT tăng 1%, MWG tăng 3,6%, BVH tăng 1,9% VHM tăng 6,8%, VRE tăng 7,1%...

Lý giải về đà tăng của thị trường, Công ty cổ phân Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường hồi phục trong tuần thứ ba liên tiếp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt với 36 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Theo SHS, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 840 điểm, qua đó cho thấy dự địa của nhịp hồi phục này là vẫn còn với mục tiêu quanh ngưỡng 880 điểm.

Vì vậy, SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (25/5-29/5), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 880 điểm.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 25,71 điểm (3,1%) lên 852,74 điểm, trong khi HNX-Index giảm 1,984 điểm (1,8%) xuống 107,04 điểm.

Dù vậy, theo SHS, khối ngoại quay trở lại bán ròng nhẹ trong tuần qua với hơn 150 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý.

Bên cạnh đó, thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,7% xuống 26.534 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 8,4% xuống 1.510 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 14% lên 3.201 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,2% xuống 315 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản giảm cho thấy sự “e ngại’ của giới đầu tư đã xuất hiện.

*Chứng khoán thế giới: Lo ngại căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung

Tại thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà giảm của các cổ phiếu châu Á trong phiên giao dịch 22/5, sau khi Trung Quốc có kế hoạch ban hành dự luật an ninh quốc gia mới đối với khu hành chính đặc biệt Hong Kong.

Động thái này có nguy cơ thổi bùng lên những căng thẳng địa chính trị và khiến giới đầu tư "phớt lờ" việc Mỹ và châu Âu nới lỏng các lệnh phong tỏa xã hội.

Kết thúc phiên này, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong giảm mạnh 1.349,89 điểm (5,56%), đóng cửa ở mức 22.930,14 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite cũng để mất 54,16 điểm (1,89%), chốt phiên ở mức 2.813,77 điểm.

Xu hướng giảm điểm cũng diễn ra tại các thị trường chứng khoán khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 164,5 điểm (0,8%), xuống 20.388,16 điểm, do những lo ngại về căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung.

Các thị trường Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Manila và Mumbai cũng đều chứng kiến mức giảm hơn 1% trong phiên này.

Những lo ngại về căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung đã "lấn át" những thông tin về việc nới lỏng phong tỏa xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Giới quan sát nhận định giai đoạn dịch COVID-19 gây tổn thương nặng nề nhất cho nền kinh tế toàn cầu đã đi qua.

Tuy nhiên, Mỹ vừa công bố báo cáo cho hay số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này trong tuần trước tăng thêm 2,43 triệu đơn, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu kể từ khi Mỹ áp lệnh phong tỏa hồi giữa tháng Ba lên 38,6 triệu đơn.

Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên cuối tuần với biên độ giao dịch hẹp, khi giới đầu tư có xu hướng “nghỉ xả hơi” với ba ngày nghỉ sắp tới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 8,96 điểm (tương đương gần 0,1%) xuống 24.465,16 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tiến 6,94 điểm (0,2%) lên 2.955,45 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng 39,71 điểm (0,4%), lên 9.324,59 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 3,3%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 9/4/2020, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt ghi thêm 3,2% và 3,4%.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai tuần tới (ngày 25/5) để nghỉ Lễ Tưởng niệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục