Chuyển đổi năng lượng: “Cuộc chạy marathon” dài hạn của thế giới

05:30' - 27/10/2021
BNEWS Hiện tượng tăng giá điện ở châu Âu là hậu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng một cách vội vàng, khi các nhà hoạch định chính sách đã không tính đến những hậu quả tiêu cực có thể xảy đến.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng tăng giá điện ở châu Âu trong những ngày gần đây là hậu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng một cách vội vàng, khi các nhà hoạch định chính sách đã không tính đến những hậu quả tiêu cực của tình trạng thiếu gió và giảm sản lượng trong trang trại phong điện (WPP). 

Trong bối cảnh đó, Nga, quốc gia xuất khẩu than hàng đầu, đang đứng trước những cơ hội và thách thức nhất định. 
Liên quan đến vấn đề này, đài Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với ông Sergey Mochalnikov, Cục trưởng Cục Hợp tác Kinh tế Đối ngoại và Phát triển Thị trường Nhiên liệu thuộc Bộ Năng lượng Nga. 
* Báo hiệu về sự giảm tốc trong tiêu thụ than
Theo ông Sergey Mochalnikov, nhiệm vụ chính của toàn bộ ngành năng lượng là đảm bảo nguồn cung điện cho dân cư và các ngành công nghiệp.

Ngày nay, thế giới đã và đang trong quá trình chuyển đổi sang các lựa chọn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi này, cần hết sức chú ý đến sự cân bằng năng lượng, để không xảy ra tình trạng mất cân bằng giá cả. 
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than hàng đầu thế giới, gần đây đã tuyên bố mục tiêu trung hoà carbon bằng cách đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng hoàn toàn mới, song song với việc sử dụng các hệ thống làm sạch thích hợp, cũng như hệ thống thu giữ và xử lý CO2 nhằm loại trừ hoàn toàn việc phát thải các chất gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, nhận định về việc Trung Quốc cắt giảm tiêu thụ than để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, quan chức Bộ Thương mại Nga cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là nước tiêu thụ than lớn nhất của Nga và Moskva hiện có đủ khách hàng ở khu vực Đông Nam Á. 
Trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Nga, một bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Nga và Ấn Độ nhằm tăng nguồn cung than cốc phục vụ hoạt động luyện kim lên 40 triệu tấn từ số lượng hiện tại là khoảng 8 triệu tấn than các loại.
Theo ông Sergey Mochalnikov, có lẽ không nên gọi những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là cuộc khủng hoảng năng lượng. Thay vào đó, đây chỉ là những khó khăn tạm thời liên quan đến nguồn cung hợp chất hydrocarbon sơ cấp, đi kèm với sự thay đổi trong khối lượng tiêu thụ điện và nhiệt năng. 
Trong đó, nguyên nhân chính là do mức tiêu thụ điện ở Trung Quốc tăng mạnh sau cuộc suy thoái vì đại dịch COVID-19. Tình hình này dẫn đến nhu cầu bổ sung khối lượng nhiên liệu sơ cấp. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là giá than tăng, lệnh cấm nhập khẩu than của Australia, cũng như các quyết định điều chỉnh giảm sản lượng than trước đó.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Sergey Mochalnikov cho rằng Trung Quốc sẽ không thể ngay lập tức “cắt đứt” nhu cầu tiêu thụ than khổng lồ. Tuy nhiên, trong trung hạn, điều này báo hiệu sự giảm tốc về tiêu thụ than. 

* Than chất lượng cao của Nga sẽ vẫn đắt hàng
Khách hàng nhập khẩu than hàng đầu của Nga là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nga thậm chí còn bán than cho Indonesia, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu than. 
Ở khu vực Đại Tây Dương, khu vực Bắc Phi và một quốc gia như Morocco đã tăng cường mua hàng từ Nga. Ai Cập đang có nhiều triển vọng vì sự gia tăng tiêu thụ khí đốt, các mỏ của họ đang cạn kiệt. Do vậy, họ có kế hoạch xây dựng nhà máy đốt than.
Australia đang thực hiện chương trình nghị sự xanh của mình, trong khi Trung Quốc cũng đang đóng cửa các cơ sở sản xuất điện gây hại môi trường và chuyển sang các nhà máy điện sạch hơn, yêu cầu chất lượng than cao hơn và đây là điều Nga có thể đáp ứng. 
Theo chuyên gia Sergey Mochalnikov, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, chất lượng than sẽ là yếu tố được chú ý nhiều hơn. Những loại than không đạt tiêu chuẩn sẽ dần bị loại khỏi thị trường. Đây là những loại than cấp thấp. 
Đối với than cốc, tình hình có ổn định hơn một chút, tuy nhiên quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ gây ảnh hưởng theo thời gian. Quá trình tạo ra và sản xuất các chất cô đặc và than PCI (nhiên liệu than nghiền thành bột) để sử dụng trong luyện kim, sản xuất gang thép là một cơ chế tốn kém và mất nhiều công sức.

Sản lượng than của Nga hiện đang tăng trưởng khoảng 9%/năm. Nếu xu hướng này tiếp tục, tăng trưởng dự kiến khoảng 6% và 1,5% trong năm 2021 và 2022 so với năm trước đó. Trữ lượng than ở Nga vượt quá 400 tỷ tấn, đủ để cung cấp trong một khoảng thời gian rất dài.
Nhận định về tình hình xuất khẩu chung hiện nay, chuyên gia Bộ Năng lượng Nga cho rằng nguồn cung xuất khẩu của Nga hiện ở mức của năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu gia tăng hoạt động này đang vấp phải một số hạn chế. 
Hiện nay Nga xuất khẩu khoảng 110 triệu tấn than/năm trong khi nhu cầu đã vượt quá 200 triệu tấn/năm. Cơ quan Hải quan Nga ước tính xuất khẩu than trong năm 2021 của “xứ Bạch dương” có thể vượt 220 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 129 triệu tấn được chuyển sang các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục được duy trì, xuất khẩu than trong năm 2022 có thể vượt mức dự báo xuất khẩu của năm 2021.
Nhận định về thời điểm kỷ nguyên than kết thúc, chuyên gia Bộ Năng lượng Nga cho rằng ông chưa thể trả lời, vì ông chưa thấy một bước đột phá công nghệ nào có thể tái cấu trúc toàn diện ngành năng lượng, trong khi vẫn đảm bảo mức độ tin cậy và môi trường giá cần thiết. 
Thế giới vẫn có những nước nghèo và ngày nay than có lẽ là dạng năng lượng rẻ nhất. Do đó, cho đến năm 2040, than chắc chắn sẽ vẫn là một trong những nguyên tố cơ bản giúp cân bằng thị trường năng lượng. 
Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn 2040-2050, thế giới có thể xuất hiện các công nghệ có khả năng thay thế và đưa thị trường năng lượng lên một cấp độ cơ bản khác. 
Chuyển đổi năng lượng không phải là một bước nhảy mà là một “cuộc chạy marathon”, và mọi bước đi trong đó phải được kiểm chứng để thế giới không bước hụt, vấp ngã ở mỗi bước mà không tính toán hết hậu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục