Chuyên gia nhận định về triển vọng chuyển đổi năng lượng tại Hàn Quốc

05:30' - 25/10/2021
BNEWS Để đảm bảo nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nước này sẽ đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon.
Nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, Ủy ban trực thuộc Phủ Tổng thống về trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 đã đưa ra “Kế hoạch về các kịch bản trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và sửa đổi các nghĩa vụ quốc gia vào năm 2030” (gọi tắt là kế hoạch NDC), nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, nước này giảm 40% lượng khí thải nhà kính từ mức phát thải năm 2018.

Kế hoạch trên sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Nội các diễn ra ngày 27/10 tới và kế hoạch NDC sau đó sẽ được Chính phủ Hàn Quốc công bố tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến tổ chức tại Glasgow (Anh) trong tháng 11.

Theo kế hoạch trên, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon, Hàn Quốc sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2050 theo hai kịch bản. Một là loại bỏ tất cả các nhà máy nhiệt điện than và điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), và hai là chỉ loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than.

Giới chuyên gia dự đoán sẽ có một cuộc chuyển đổi năng lượng lớn diễn ra trong 30 năm tới. Các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong sản xuất năng lượng của Hàn Quốc năm 2020, sẽ ngừng hoạt động vào năm 2050. Trong khi đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và điện gió, sẽ tăng từ 6,6% lên 60,9 và đến 70,8% vào năm 2050.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, để đảm bảo nền kinh tế quốc gia tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon.

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này đang bị chỉ trích. Báo Donga Ilbo có bài viết cho rằng kế hoạch nêu trên là không khả thi và Hàn Quốc cần có cách tiếp cận thực tế hơn.

Thông tin cho biết, các điều chỉnh trong kế hoạch NDC đã được đẩy nhanh kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố công khai vào tháng 10 năm ngoái để đạt được mức độ trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Vào tháng Tám năm nay, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật cơ bản về trung hòa khí thải carbon, cam kết giảm phát thải “ít nhất 35%” vào năm 2030, nhưng sau đó lại điều chỉnh cao hơn. 

Dựa trên cam kết, Hàn Quốc được yêu cầu giảm 4,17% khí nhà kính mỗi năm trong 8 năm tới, cao hơn nhiều so với mức của Liên minh châu Âu (EU) là 1,98% và Mỹ là 2,81%. Một số chuyên gia cho rằng Hàn Quốc, nơi sản xuất chiếm 26% tỷ trọng nền kinh tế của nước này, tỷ lệ cao hơn nhiều so với khu vực EU (14%) và Mỹ (11%), có thể buộc phải đóng cửa một số cơ sở sản xuất thép và hóa dầu để đạt được mục tiêu này.

Mục tiêu trên càng trở nên khó thực hiện hơn khi mà Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, vốn hầu như không phát thải carbon, nhằm loại bỏ năng lượng hạt nhân trong tương lai. Chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm mức độ phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, hiện đang ở mức 29% vào năm 2020 giảm xuống 23,9% vào năm 2030. Đồng thời, Hàn Quốc cũng tăng cường sử dụng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, vốn chỉ ở mức 6,6% lên 30,2% vào năm 2030. 

Trong khi ngược lại, Vương quốc Anh có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân do đang đối mặt với những thách thức về năng lượng gió và giá LNG tăng khiến giá điện tăng cao. Pháp gần đây đã công bố kế hoạch thúc đẩy các lò phản ứng hạt nhân nhỏ. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia phải hứng chịu thảm họa hạt nhân Fukushima, đã đảo ngược chính sách để tăng sản lượng điện hạt nhân, hiện ở mức 6%, lên hơn 20% vào năm 2030.

Bài báo kết luận cho dù việc trung hòa khí thải carbon có quan trọng đến đâu thì cũng thật thiếu cân nhắc khi đưa ra mục tiêu dựa trên một kế hoạch phi thực tế. Chỉ còn bảy tháng cho nhiệm kỳ của mình, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ bị chỉ trích sau này vì đã đưa ra các mục tiêu không thực tế và không khả thi rồi đẩy gánh nặng đó cho chính quyền kế nhiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục