Chuyển đổi năng lượng xanh sau đại dịch COVID-19

17:07' - 24/04/2020
BNEWS Theo các nhà kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp dẫn đến suy thoái kinh tế sâu rộng lại tạo ra “thành quả” mà các cuộc đàm phán trường kỳ về biến đổi khí hậu không thể mang lại.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ các nước đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân hiện đối mặt với cuộc sống khó khăn và sinh kế bị ảnh hưởng do các lệnh đóng cửa, phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19. Một số chuyên gia cho rằng điều này có thể đẩy nhân loại theo hướng xanh hơn do giá dầu đang giảm. 
Lượng CO2 và các khí thải khác sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh cũng như những thay đổi trong cách thức vận hành công việc, sinh hoạt hàng ngày của cả doanh nghiệp và người dân.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho rằng các quốc gia nên nắm lấy cơ hội để xây dựng Thỏa thuận mới xanh trong các gói cứu trợ.
Trong một chia sẻ gần đây, ông đã khuyến khích các chính phủ cần đưa năng lượng sạch vào trung tâm của các gói kích cầu đối phó ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Theo người đứng đầu IEA, sự tiến bộ trong chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng của các quốc gia không chỉ là tạm thời mà có thể tạo ra sự khác biệt lâu dài cho tương lai loài người.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khả năng này có thể hiện thực hóa không, và quá trình này sẽ diễn biến như thế nào? Liệu người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tự thực hành mãi mãi hành vi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như mang lại lợi ích cho cả hành tinh? Các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia Na Uy (NTNU) đã chia sẻ quan điểm của mình về những nghi vấn này.
Tấm vé vàng cho chuyển đổi xanh
Nhà khoa học chính trị Torbjorn Knutsen tại NTNU cho rằng năng lực nhà nước là một nhân tố quan trọng để giải đáp những thắc mắc. Theo ông, năng lực nhà nước không phải là cách tính xem ngân sách của chính phủ có bao nhiêu tiền, đó là mức độ tin tưởng của người dân đối với chính phủ và qua đó là năng lực của chính phủ có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Chuyên gia này nhận định nếu các chính phủ nghiêm túc và hành động hợp lý trong việc chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh hơn thì hiện tại chính là cơ hội vàng. Cùng với đó, năng lực nhà nước rất quan trọng khi hoạch định các kế hoạch, chiến lược quốc gia, đặc biệt là sau khi COVID-19 bùng phát.
Theo ông Knutsen, Na Uy có năng lực nhà nước cao, người dân tin tưởng chính phủ cầm quyền ngay cả khi họ có quan điểm khác biệt với giới lãnh đạo chính trị. Vị Giáo sư đến từ NTNU này đánh giá niềm tin đối với chính phủ sẽ giúp Na Uy tự do trong xây dựng kế hoạch cho một tương lai xanh hơn, trong khi ở các nước như Mỹ, sự mất lòng tin của người dân cùng với sự phân chia mạnh mẽ giữa các đảng chính trị, thay đổi sẽ khó khăn hơn. 
Ông Knutsen cho rằng đại dịch khiến các bên có trách nhiệm bắt buộc phải “miễn cưỡng” thực hiện việc cắt giảm tiêu dùng và nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông cũng không lạc quan về khả năng nhiều quốc gia sẽ thực sự hành động theo hướng nắm cơ hội này, bởi sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc, các chính phủ sẽ triển khai các kế hoạch phục hồi và trọng tâm ưu tiên đó là kích cầu nền kinh tế và mang lại việc làm. 
Những vấn đề đến từ dầu mỏ
Về khía cạnh kinh tế, Giáo sư Ragnar Torvik đến từ NTNU lại xem xét hoạt động của các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ. Ông nhận định với các khoản đầu tư lớn vào dầu mỏ Biển Bắc, Na Uy đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn trong bối cảnh giá dầu biến động và đại dịch hoành hành. Tuy nhiên, nhà kinh tế này cho rằng đây cũng là cơ hội để đưa quốc gia Balkan tiến tới nắm các công nghệ xanh hơn.
Theo ông, giá dầu giảm mạnh trong những tuần gần đây do nhu cầu về dầu thô thấp. Đây chỉ là một tình huống tạm thời, khi nền kinh tế trở lại đúng hướng, mức tiêu thụ và giá cả có thể tăng lên. 
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra một loạt sự kiện khác làm cho giá dầu thấp hơn gần như chắc chắn sẽ tồn tại theo thời gian. Các nước sản xuất dầu mới, như Mỹ, có thể cung cấp dầu giá rẻ hơn nhiều so với Na Uy. Đồng thời, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vốn có thể kiềm chế sản lượng khai thác và điều tiết giá cả thì nay đã không còn sức mạnh này.
Ragnar Torvik nhận định tình hình trên có thể đẩy Na Uy theo hướng xanh hơn khi giá dầu đang giảm và các lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia Balkan có rất nhiều chuyên môn như những tri thức có thể được sử dụng cho năng lượng gió ngoài khơi.
Quốc hội Na Uy dường như tán đồng ba gói giải pháp mới nhất xử lý cuộc khủng hoảng. Giải pháp kêu gọi đầu tư vào thu hồi và lưu trữ CO2 sẽ được đẩy nhanh trong một vài tháng tới. Giải pháp thứ hai xác nhận việc thiết lập kế hoạch tài chính cho năng lượng gió ngoài khơi. Giải pháp cuối là phân bổ khoản ngân sách 200 triệu NOK (19 triệu USD) để phát triển các tàu không phát khí thải, các tàu sử dụng năng lượng xanh. 
Sự đối lập bên kia bờ Đại Tây Dương
Với phạm vi nghiên cứu rộng rãi, từ chính sách đối với thủy hải sản đến chính trị so sánh, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Jennifer Bailey cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này. Sinh ra tại Mỹ và hiện làm việc tại NTNU, bà dành nhiều sự quan tâm tới những gì đang xảy ra tại cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Không có gì ngạc nhiên khi bà Bailey không tin rằng COVID-19 sẽ dẫn đến một sự thay đổi sang các công nghệ xanh hơn ở Mỹ. Dẫn chứng cụ thể đó là giữa thời điểm dịch bệnh đang tiếp tục bùng phát, hính quyền Tổng thống Trump đã nới lỏng các tiêu chuẩn khí thải nhiên liệu của Mỹ cho thế hệ ô tô mới.  
Espen Moe, nhà khoa học chính trị tập trung vào chính sách năng lượng và là đồng nghiệp của Bailey, chia sẻ sự sụp đổ về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra là một cú sốc hơn là một cuộc khủng hoảng. Ông nhận định cú sốc kết thúc sẽ cám dỗ các chính trị gia cố gắng trở lại hiện trạng, đặc biệt là ở Mỹ. 
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng đối với Na Uy, các chính trị gia đã cho thấy họ nhìn thấy sự khôn ngoan của việc áp dụng các công nghệ xanh, ít nhất là khi các công nghệ đó có thể tận dụng thế mạnh của lực lượng lao động.
Theo Espen Moe, với kiến thức và khả năng của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng gió ngoài khơi có thể được phát triển và sử dụng. Chuyên gia này chỉ ra Tập đoàn dầu khí Equinor sẽ không thể cạnh tranh về năng lượng gió trong đất liền khi có nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đối với năng lượng gió ngoài khơi vẫn còn có không gian để phát triển và Na Uy có nhiều chuyên môn, chuyên gia hàng đầu.
Ông lạc quan cho rằng điều này liên quan tới ứng phó với khí hậu, lĩnh vực năng lượng và các ngành công nghiệp, chính vì thế có thể sẽ mang lại tác động tích cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục