Sức ép dư cung khiến giá dầu khó trở lại trạng thái “bình thường”

05:00' - 23/04/2020
BNEWS Giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tiếp tục khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm sâu, và làm tăng sức ép đối với các kho dự trữ chiến lược.
Một cơ sở lọc dầu của Mỹ ở Vịnh Galveston, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thị trường dầu mỏ đang trải qua thời điểm “có một không hai” và việc giá “vàng đen” liên tiếp tụt dốc bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (nhóm OPEC+).

Chỉ hai tháng trước, các nhà đầu tư từng chứng kiến thị trường chứng khoán Mỹ vươn tới đỉnh cao của mọi thời đại, đồng thời giá dầu được giao dịch quanh mức 55 USD/thùng tại thời điểm đó. Do đó, theo nhận định của mạng tin Oilprice, không nhiều người có thể tưởng tượng giá “vàng đen”, nguồn năng lượng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, lại có thể giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng, mức thấp nhất trong 18 năm qua.

Tại cuộc họp OPEC+ đầu tháng 3/2020, Saudi Arabia và Nga đã không thể đạt được đồng thuận trong vấn đề sản lượng và hai bên quyết định từ bỏ tất cả hạn ngạch sản xuất và châm ngòi cho một cuộc chiến giá dầu, khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng dư cung trầm trọng.

Phía Nga tin rằng động thái này sẽ giúp họ giành thị phần và khiến nhiều nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ bị loại khỏi “cuộc chơi dầu mỏ”. Tính toán này của Moskva đã đúng một phần, song chưa phù hợp tại thời điểm này khi tất cả các nhà sản xuất “vàng đen” đều phải gánh chịu hậu quả chung trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu “rơi tự do”.   

Để “cứu” thị trường dầu mỏ, các bên cuối cùng đã có những thỏa hiệp nhất định sau cuộc họp trực tuyến hôm 12/4, các thành viên thuộc OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và những đối tác do Nga dẫn đầu đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5-6/2020, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và cắt giảm ở mức 5,8 triệu thùng/ngày trong 16 tháng sau đó cho đến khi kết thúc vào cuối tháng 4/2022.

Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng và khó có thể vực dậy thị trường dầu mỏ thế giới khi nhu cầu tiêu thụ hiện vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cung thực tế. 

Sức ép dư cung song hành cùng sự sụt giảm nhu cầu

Những phản ứng trên thị trường sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng được coi là “lịch sử” nói trên với sự tham gia của hầu hết các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên toàn cầu là một dấu hiệu cho thấy “bài toán” nguồn cung và nhu cầu vẫn là vấn đề nan giải trên thị trường dầu thô. 

Theo phân tích trên mạng tin CNBC, chỉ tính riêng trong tháng Tư, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ sụt giảm ít nhất 20 triệu thùng/ngày và hoàn toàn có thể giảm tới mức 30 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức cắt giảm mà OPEC+ chuẩn bị thực hiện. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất vẫn đang bơm ra thị trường lượng “vàng đen” nhiều nhất có thể trước khi quyết định cắt giảm sản lượng có hiệu lực và tất nhiên hậu quả là điều có thể báo trước.

Điều khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn là sự mất cân bằng cung-cầu có lẽ còn kéo dài hơn nữa. Việc xây dựng các kho dự trữ dầu mỏ không chỉ đang diễn ra ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác. Các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu đã được lấp đầy hơn 70% công suất và ngày càng có nhiều dầu đổ vào mỗi ngày. Đây cũng là một nguyên nhân khiến OPEC+ phải lưỡng lự và cần nhiều thời gian để cân nhắc ra quyết định.

Đơn cử, nếu Saudi Arabia quyết định tăng mức cắt giảm nguồn cung từ 2,1 triệu thùng/ngày lên 3,6 triệu thùng/ngày ngay trong tháng Tư, điều này có thể chưa khiến thị trường đạt được trạng thái cân bằng, nhưng ít nhất cũng giúp các kho dự trữ dầu thô toàn cầu được lấp đầy với tốc độ chậm hơn.

Thế nhưng, Saudi Arabia và Nga lại lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán vào tháng trước. Thậm chí, chính quyền Riyadh còn thông báo sẽ nâng công suất lên mức trên 12 triệu thùng/ngày trong tháng Tư, so với chưa đến 10 triệu thùng/ngày chỉ hai tháng trước. Sự gia tăng ngắn hạn trên thực tế đang làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa dầu mỏ hiện nay.

Ước tính, sự mất cân đối cung-cầu tạm thời ở mức 25 triệu thùng/ngày sẽ bổ sung thêm tới 750 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ vào kho dự trữ toàn cầu chỉ trong tháng 4/2020. Do đó, vào thời điểm OPEC+ cắt giảm sản xuất kể từ tháng Năm, sẽ có rất ít không gian lưu trữ dầu mỏ dự phòng còn lại. Như vậy, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ không thể giúp cân bằng thị trường ngay lập tức, các kho dự trữ dầu thô sẽ đứng trước áp lực rất lớn vào thời điểm cuối tháng 5 hoặc tháng 6/2020.

Theo các chuyên gia, chỉ có một cách để giải quyết sự mất cân bằng cung cầu này. Đó là khi năng lực lưu trữ dự phòng gần đầy và chi phí lưu trữ trở nên đắt đỏ, giá dầu giao ngay cần phải hạ thấp cho đến khi các công ty dầu khí buộc phải giảm sản lượng hơn nữa để đưa thị trường sớm trở lại cân bằng.

Tuy nhiên, giải pháp này lại dẫn đến các hoạt động cắt giảm sản xuất một cách không có trật tự, trong đó sản lượng sẽ cần điều chỉnh giảm ngay lập tức tại những đầu mối dầu mỏ đang gặp khó khăn về năng lực lưu trữ dự phòng. Như vậy, sự sẵn có của không gian lưu trữ dầu mỏ ở từng khu vực cụ thể sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc xác định ai sẽ phải giảm sản lượng đầu tiên.

Lộ trình khó khăn để đưa giá dầu trở lại mức "bình thường mới”

Trong báo cáo tháng 4/2020, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm khoảng 6,9 triệu thùng/ngày, tức là 6,9% trong năm 2020, trong khi tháng trước, OPEC dự báo nhu cầu tăng nhẹ khoảng 60.000 thùng/ngày. Tính riêng trong tháng Tư, OPEC dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh nhất, là 20 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa nghiêm trọng bằng dự báo mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra, theo đó nhu cầu trong tháng Tư sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày và trong cả năm giảm 9,3 triệu thùng/ngày.

Giới quan sát cho rằng sự thiếu hụt các kho dự trữ dầu mỏ vào thời điểm đầu tháng 6/2020 có thể khiến giá dầu giao ngay rơi vào ngưỡng dưới 20 USD/thùng. Trong phiên giao dịch 21/4, giá dầu Brent giao tháng 6/2020 tại thị trường London (Anh) giảm 24% xuống còn 19,33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2020 tại New York (Mỹ) giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng.
 

20/4 và 21/4 là hai ngày giao dịch “hỗn loạn” nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường dầu thế giới khi các nhà đầu tư đứng trước thực trạng cung sẽ vượt cầu trên thị trường dầu trong một thời gian dài tới và nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu để khắc phục tình trạng dư cung "vàng đen" chưa mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm 2020 sẽ phụ thuộc lớn vào diễn biến của tình hình dịch COVID-19. Trong khi OPEC+ có kế hoạch nới lỏng cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng Bảy, nhu cầu có thể sẽ phục hồi đáng kể vào nửa cuối năm nếu dịch bệnh được kiểm soát. Trong kịch bản đó, giá dầu ở nửa cuối năm 2020 sẽ cần tăng đủ để giúp cho các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và nhiều nơi khác hoạt động trở lại. Hoặc ít nhất, mức giá cần duy trì ở ngưỡng khiến nhiều thành viên OPEC+ cảm thấy hài lòng. 

Thành công của thỏa thuận OPEC+ sẽ phụ thuộc vào các hoạt động phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ kéo dài đến khi nào, cũng như hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa bao giờ sẽ nhộn nhịp trở lại. Chiến lược này dựa trên mức độ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, cũng như không bùng phát một đợt lây nhiễm thứ hai trong năm nay.

Về cơ bản, giống như các phản ứng chính sách khác đối với đại dịch, chiến lược của OPEC+ sẽ linh hoạt dựa vào nền kinh tế giống như một bóng đèn có thể tắt và bật nhanh chóng. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ để những “vết sẹo” lâu dài trong nền kinh tế. Suy thoái càng sâu, hậu quả sẽ càng kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện không có lực đẩy tài chính đủ mạnh để trụ vững cho đến khi dịch bệnh chấm dứt. Ngay cả với sự can thiệp của chính phủ, một tỷ lệ lớn các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất đáng kể về thu nhập. Những tác động đó sẽ kéo dài thêm ít nhất vài năm hoặc lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, khả năng mở cửa trở lại để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở một số nước vẫn có thể bị coi là một sự mạo hiểm, thậm chí là liều lĩnh khi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 một cách chắc chắn.

Những “chính phủ thận trọng” trên thế giới còn mất thêm một khoảng thời gian hàng tháng trời trong trạng thái "chờ - xem" trước khi ra quyết định. Tốc độ tăng trở lại của giá dầu sẽ còn bị kìm hãm. Trong kịch bản tiêu cực đó, nền kinh tế không thể tái khởi động nhanh chóng và khi đó lượng dầu tồn kho sẽ còn tăng cao hơn. 

Một điểm cần lưu ý khác là liệu thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được các thành viên OPEC+ tôn trọng triệt để. Giới phân tích cho rằng việc các nước thành viên OPEC tuân thủ hạn ngạch khai thác dầu do tổ chức này đưa ra là một chủ đề gây tranh cãi. Nhà phân tích Eugen Weinberg thuộc ngân hàng Commerzbank cho rằng OPEC đã phải chật vật thế nào để tổ chức này tuân thủ hạn ngạch sản lượng trong ba năm qua.

Trên thực tế, sự tuân thủ trong OPEC đạt được chủ yếu nhờ sự thiếu hụt sản lượng khai thác mà các nước không chủ ý thực hiện và nhờ thái độ tuân thủ quá nghiêm túc từ phía Saudi Arabia. Nhà phân tích Warren Patterson thuộc ING thì tỏ ra hoài nghi khi nói rằng vẫn cần chờ xem liệu các nước thành viên có tuân thủ các cam kết họ đưa ra hay không. Khác với các thỏa thuận trước đây, khó có khả năng Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng nhiều hơn hạn ngạch của nước này để bù đắp cho mức cắt giảm ít ỏi của các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục