Chuyển đổi số: Cần sự dũng cảm của những người đứng đầu

09:32' - 15/10/2020
BNEWS Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện.

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay, việc chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với tất cả các doanh nghiệp, ngành nghề của nền kinh tế. Doanh nghiệp muốn phát triển theo kịp tốc độ thay đổi về mặt kỹ thuật và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình đòi hỏi phải vận hành tối đa để thúc đẩy tính hiệu quả của công nghệ ở mọi phương diện.

Do vậy, chuyển đổi số không hề dễ dàng và đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, chiếm đa số là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - vốn hạn chế về tài chính, yếu về năng lực quản trị và trình độ sản xuất; lại còn có tâm lý e ngại đầu tư, thay đổi công nghệ.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức thì trước tiên đó phải là sự thay đổi từ chính những người lãnh đạo, người đứng đầu vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm; sau đó mới triển khai tổng thể và toàn diện đối với tất cả mọi thành viên trong tổ chức.

Muốn việc chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, việc đầu tiên là cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức; tiếp đến là phát triển chính quyền số ở mỗi đơn vị và dẫn dắt chuyển đổi số theo từng lĩnh vực. Cuối cùng, mới đạt được sự phát triển doanh nghiệp số thực thụ.

Hiện nay, cả nước đã có gần 16 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định; hơn 66 triệu thuê bao di dộng có sử dụng dữ liệu; hơn 60 triệu thuê bao di động chỉ sử dụng thoại và tin nhắn và gần 123 triệu số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng. Điều đó minh chứng sự phát triển mạnh mẽ của xã hội số tại Việt Nam.

Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 45.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước tính khoảng 50 tỷ USD; trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD, chiếm 95%.

Ước lượng tỷ trọng kinh tế số trong năm 2019 là 12 tỷ USD, tăng 9 tỷ USD so với năm 2015.

Như vậy, đủ để thấy, các doanh nghiệp trong nước không thể chần chừ và việc chuyển đổi số cần phải được thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa ở từng cấp ngành, từng đơn vị, ông Trọng Đường nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay đa phần doanh nghiệp khá "thờ ơ" với việc chuyển đổi số. Nhiều báo cáo nghiên cứu của các tổ chức độc lập đã ghi nhận, hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phản ứng khá thụ động với những thay đổi của thị trường.

Nguyên  nhân của sự thụ động ấy, theo các doanh nghiệp, một phần là do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, khiến doanh nghiệp đang phải “vật lộn” để tồn tại mà chưa thể đầu tư cho số hóa hoạt động, dù rất quan tâm đến chuyển đổi số.

Tuy nhiên, lý giải này là chưa đầy đủ. Bởi, qua khảo sát, đánh giá việc triển khai, ứng dụng các giải pháp công nghệ số ở gần 250.000 doanh nghiệp trên cả nước, Công ty cổ phần MISA - đơn vị cung cấp các phần mềm quản lý cho các cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp đã chỉ ra rằng, rào cản lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số nằm ở nhận thức, ý chí quyết tâm hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp.

“Nếu lãnh đạo quyết tâm vào cuộc, khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng số thì sẽ chủ động tháo gỡ khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế là quy mô nhỏ nên khi quyết tâm số hóa vẫn ít yếu tố bị chi phối hay chịu ảnh hưởng hơn so với doanh nghiệp lớn”, Công ty cổ phần MISA chỉ ra.

Liên quan tới thực tiễn của doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, chuyển đổi số cũng là vấn đề mà Hòa Phát quan tâm từ lâu.

Tuy nhiên một phần do các dây chuyền sản xuất đã ổn định, công nghệ và sản phẩm chưa có nhiều đổi mới và quan trọng hơn là thị trường chưa phát sinh thêm nên doanh nghiệp còn ngần ngại việc tăng cường đầu tư cho vấn đề này; đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Thực tế, Hòa Phát Hải Dương đang nghiên cứu một số đề án về áp dụng mã vạch trong quản lý phôi hay số hóa trong quản lý thiết bị, vật tư sản xuất… Hòa Phát đang trong quá trình trao đổi, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ và nếu giá thành hợp lý, các giải pháp tài chính thuận lợi sẽ có thể triển khai vào đầu năm 2021.

Với việc hoàn thiện toàn bộ quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ và số hóa các khâu vận hành, quản lý sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép Hòa Phát và khẳng định thương hiệu Hòa Phát trên thị trường khu vực và quốc tế.

Ghi nhận nhiều phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình gian nan, cần quyết tâm rất cao và cần có lòng dũng cảm.

Chuyển đổi số thành công hay thất bại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị và vào thể chế quốc gia.

Muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số, Chính phủ cũng phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.

Song song đó, các doanh nghiệp phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Với mong muốn, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, người lãnh đạo, người đứng đầu cũng cần sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định; loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức…

Nhiều doanh nghiệp đã thành lập văn phòng chuyển đổi số, đặt ngang hàng với phòng kế hoạch kinh doanh hay tổ chức - tài chính và chỉ định giám đốc kỹ thuật số như một nhân sự chủ chốt, “cánh tay phải” của Ban lãnh đạo - một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới định hướng và định hình của doanh nghiệp trong tương lai. Đó có thể là những gợi mở giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ hay siêu nhỏ thích ứng tốt với bối cảnh này, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục