Chuyển đổi số trong nông nghiệp ĐBSCL - Bài cuối: Xu thế tất yếu

12:27' - 06/04/2024
BNEWS Ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số, để từ vùng sản xuất nông nghiệp trở thành vùng kinh tế nông nghiệp đầu tàu của cả nước.

* Địa phương "chuyển mình"

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số với kỳ vọng mang lại lợi ích cơ bản như: Tăng năng suất và chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí; tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới, tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp…

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành Nông nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hoá trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng và xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển và triển khai áp dụng các nền tảng số, cũng như tăng cường liên kết, kết nối giữa các bên có liên quan.

Sở cũng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới cho người dân, nhất là công nghệ cao để phát triển nông nghiệp thông minh; nông nghiệp xanh, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; nông nghiệp tuần hoàn giúp mang lại giá trị cao và bền vững.

Ngành chức năng thành phố cũng đã cho ra đời Sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” và Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ tại địa chỉ https://check.cantho.gov.vn/.

Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến, giúp việc quản lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được nhanh chóng, thuận lợi.

Cùng với đó, Sở thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất, để có các hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể cho nông dân; tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận và khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ mới như: Sử dụng máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng...

Tại An Giang, giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh có 710 mô hình mới hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông thôn được triển khai. Các mô hình thực hiện trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; ưu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

Từ đó, tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số có hiệu quả của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động; hệ thống cào, thu gom phân gia súc, gia cầm tự động. Tất cả tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để điều khiển từ xa; giúp gia súc, gia cầm phát triển nhanh, ít bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Các nhà nuôi chim yến cũng được quản lý, theo dõi, giám sát bằng camera, phun sương làm mát điều khiển từ xa, giám sát được số lượng chim yến, động vật gây hại mà không cần trực tiếp vào nhà nuôi, không gây ảnh hưởng, xáo trộn đàn chim yến.

Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được ban hành sau khi Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao tỉnh Đồng Tháp tiên phong trong triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tập trung, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng số hóa thông qua nền tảng VDAPES để số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa hệ thống dữ liệu thống kê ở tất cả các lĩnh vực của ngành đang quản lý gồm: Trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, phát triển nông thôn, thủy lợi, lâm nghiệp, nông thôn mới, OCOP, truy xuất nguồn gốc..., góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

Nhiều hợp tác xã đã sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cấy lúa bằng máy, bón vùi phân tan chậm, sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, ứng dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo dịch hại, nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả.

Toàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thông minh; 15 trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác triển khai các mô hình ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ dữ liệu quản lý truy xuất nguồn gốc đều được tích hợp, quản lý trên nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp…

*Thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thách thức chưa từng có từ nhiều phương diện, kinh tế, xã hội, môi trường… Để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, cần có giải pháp công nghệ đột phá, phải lan tỏa tinh thần, tư duy để thực hiện các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu.

“Chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp... Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Thạc sỹ Vũ Sơn (Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), trên thực tế, khái niệm về chuyển đổi số còn khá mơ hồ với người nông dân và ngay cả với doanh nghiệp, địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho hệ thống dữ liệu số hoá chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế do chất lượng nhân lực kém.

Hiện nay, người nông dân hầu như chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên khó vận hành hiệu quả những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Thạc sỹ Vũ Sơn khuyến nghị giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày càng lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thay đổi tư duy chuyển đổi số theo hướng đơn giản hóa khái niệm; đề cao tính liên kết với các bên như cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đơn vị chủ quản khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, đối tác hợp tác…

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý…

Còn theo Thạc sỹ Nguyễn Phương Lam, Giám đốc chi nhánh Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần có chiến lược chuyển đổi nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên các tiêu chí thay đổi cơ bản: Tầm nhìn, thể chế, khoa học - công nghệ và cơ cấu.

Theo đó, các địa phương cần thay đổi tầm nhìn để xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại; đồng thời gỡ bỏ được một số “vòng kim cô” ngăn cản sự phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trong quá khứ.

Điều kiện tiên quyết là phải có thể chế phù hợp để tạo ra khuyến khích cho quá trình tăng năng suất và giá trị bền vững. Quá trình này cần được hỗ trợ bằng những thay đổi về khoa học-kỹ thuật như: Cơ giới hoá, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn…

Kết quả của quá trình này là sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, trong đó chất lượng và giá trị nông sản không ngừng được hoàn thiện. Sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn bó hữu cơ với hoạt động khác của phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục