Chuyên gia cảnh báo tác động tiêu cực từ dự án đường sắt cao tốc xuyên bán đảo Malaysia

05:30' - 26/10/2021
BNEWS Giới nghiên cứu Malaysia đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ chi phí tăng cao của tuyến đường sắt nối thủ đô Kuala Lumpur với bang Johor đối với hệ thống giao thông và hạ tầng nước này.

Trước hiện thực tuyến đường sắt cao tốc xuyên bán đảo nối thủ đô Kuala Lumpur với bang Johor (HSR) chỉ cần tiến thêm một bước để trở thành hiện thực, giới nghiên cứu nước này đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ chi phí cao cùng các tác động tiêu cực của tuyến đường sắt này đối với hệ thống giao thông và hạ tầng.  

Trước đó, Chính phủ Malaysia đã công bố kết quả nghiên cứu về khả năng triển khai dự án HSR và hiện đang chờ trình lên Nội các. Giáo sư Yeah Kim Leng, chuyên gia kinh tế tại đại học Sunway, cho rằng Chính phủ Malaysia cần phải xem xét tính khả thi của HSR về mặt kinh tế.

Ông chỉ ra Malaysia có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tốt, hiện đại trong khi dự án đường cao tốc hai chiều đang được triển khai. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng không cần phải thảo luận về việc triển khai HSR.

Theo Giáo sư Yeah, kế hoạch ban đầu về việc kết nối Kuala Lumpur với Singapore có ý nghĩa lớn, mang lại sự kết nối liền mạch giữa hai trung tâm dân cư đông đúc. Ông cho hay đây là lợi ích cho doanh nhân cũng như khách du lịch quốc tế, thậm chí có thể khuyến khích các công ty chuyển trụ sở chính của mình từ Singapore, nơi có chi phí hoạt động cao hơn, đến các trung tâm ở Malaysia. Tuy nhiên, sự đứt gãy trong kết nối với Singapore khiến ý tưởng này mất dần sự hấp dẫn.

Giáo sư Yeah cũng bày tỏ quan ngại về mức chi phí của HSR. Ông lưu ý Chính phủ Malaysia sẽ phải nâng trần nợ công nếu theo đuổi dự án này và chính chi phí cao là nguyên nhân khiến HSR không có tính khả thi cao.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, chi phí của dự án sẽ là khoảng từ 63-65 tỷ RM (15,18-15,66 tỷ USD) khi kết thúc ở Iskandar Puteri, Johor. Con số này không chênh lệch nhiều so với ước tính trong kế hoạch xây dựng HSR ban đầu, vốn bao gồm cả Singapre, từ 60-68 tỷ RM (14,46-16,39 tỷ USD).

Giáo sư Yeah cũng chỉ ra rằng Chính phủ Malaysia đã phải trợ cấp chi phí hoạt động cho một số cơ sở hạ tầng giao thông như hệ thống đường sắt hạng nhẹ, vận tải nhanh hàng loạt, hệ thống đường sắt do Keretapi Tanah Melayu Bhd điều hành. Vì vậy, HSR sẽ chỉ khiến chính phủ thêm gánh nặng nợ công về dài hạn.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Barjoyai Bardai thuộc trường Đại học Tun Abdul Razak nhận định HSR có thể khả thi trong dài hạn, nhưng trong thời điểm hiện tại Malaysia không đủ khả năng xây dựng.

Ông cũng khuyến nghị Chính phủ Malaysia có thể biến dự án này thành sáng kiến tài chính tư nhân và sau đó chịu trách nhiệm vận hành.

Tiến sỹ Barjoyai chỉ ra rằng khu vực tư nhân sẽ hòa hợp hơn với môi trường kinh tế và do đó sẽ ở vị trí tốt hơn để quyết định làm thế nào để tạo ra lợi nhuận. Ông cũng khuyến nghị HSR nên được mở rộng về phía Bắc và kết nối với thủ đô Bangkok của Thái Lan, từ đó trở thành một phần của sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Sáng kiến về HSR được ông Najib Razak đưa ra vào tháng 9/2010. Tháng 2/2013, Thủ tướng Malaysia và Singapore đã nhất trí triển khai dự án đầy tham vọng mà giới phân tích ước tính trị giá lên tới 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, HSR đã bị đình chỉ vào năm 2018, ngay sau khi cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở lại cầm quyền với cam kết thắt chặt các khoản chi tài chính và xem xét các giao dịch lớn do người tiền nhiệm Najib Razak thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục