Vai trò của Malaysia trong ngành bán dẫn toàn cầu rõ nét hơn trong đại dịch

08:43' - 04/10/2021
BNEWS Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia, các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã làm giảm sản lượng chất bán dẫn của Malaysia từ 15-40%, và có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung.

Trong những tháng gần đây, khi các hãng sản xuất ô tô tên tuổi như Toyota, Ford, General Motors và Skoda Auto tuyên bố giảm mạnh mục tiêu sản xuất do thiếu nguồn cung chất bán dẫn từ Malaysia thì vai trò quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này trong ngành công nghiệp bán dẫn mới được chú ý tới.

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng góp khoảng 6,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia và sử dụng khoảng 575.000 công nhân. Trên quy mô toàn cầu, Malaysia chiếm 7% thương mại chất bán dẫn và 13% thị trường kiểm tra, đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn. Đây cũng là nước xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ bảy thế giới.
Do đó, trước tác động của đại dịch COVID-19, quốc gia này cũng đang phải gồng mình để chống lại sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
*Từ những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Từ tháng Năm, tình hình COVID-19 của quốc gia này đã bắt đầu xấu đi nhanh chóng với làn sóng lây nhiễm lần thứ ba, khi số ca nhiễm mới COVID-19 liên tục tăng theo cấp số nhân, từ 3.000 ca/ngày lên đến 6.000 ca rồi 9.000 ca, buộc các nhà chức trách Malaysia phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển lần thứ ba (MCO 3.0) và sau đó là áp đặt Lệnh phong tỏa toàn diện (FMCO) trên toàn quốc từ ngày 1/6-1/7.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng lên đến hơn 10.000 ca nhiễm mới/ngày, với đa số các cụm lây nhiễm từ các khu vực sản xuất và con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh với sự xuất hiện của biến thể Delta.
Diễn biến nhanh chóng này buộc các nhà chức trách phải lựa chọn những lĩnh vực sản xuất nào được phép hoạt động, và những lĩnh vực nào buộc phải đóng cửa, đồng thời giảm số công nhân làm việc tại các nhà máy (60% hoặc 10% tùy theo lĩnh vực sản xuất có được xếp vào loại thiết yếu hay không).
Đến đầu tháng Bảy, một số khu vực có các ngành công nghiệp sản xuất chủ chốt tiếp tục bị hạn chế, đặc biệt là ở bang Selangor và thủ đô Kuala Lumpur, do những khu vực này có tỷ lệ nhiễm cao nhất cả nước. Trong đó, các công ty điện tử, sản xuất chất bán dẫn và thiết bị y tế trong khu vực phải tạm dừng hoạt động.
Khi Malaysia áp đặt FMCO, các lĩnh vực sản xuất như lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện ô tô và sản xuất sắt thép chỉ được phép hoạt động với 10% số nhân công. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota Motor, Honda Motor và Mazda đã lựa chọn việc đóng cửa nhà máy. Tập đoàn luyện kim Malaysia (MSC) Bhd, nhà sản xuất thiếc tinh luyện lớn thứ ba thế giới, cũng chọn giải pháp tương tự để tránh thiệt hại.
Nhiều công ty trong những lĩnh vực sản xuất được phép hoạt động với 60% lực lượng lao động cũng thông báo tạm ngừng hoạt động do tình hình bùng phát dịch COVID-19 tại địa phương hoặc tình trạng thiếu lao động…
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia, các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã làm giảm sản lượng chất bán dẫn của Malaysia từ 15-40%, và có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung.
Phát biểu tại một cuộc họp chung mới đây giữa Cơ quan Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA), Giám đốc điều hành Arham Abdul Rahman của MIDA cho biết Malaysia cần đi đầu trong việc nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn nếu muốn cải thiện sức hấp dẫn như một điểm đến đầu tư toàn cầu.
Ông cho biết điều này đặc biệt quan trọng khi ngày càng nhiều công ty toàn cầu đang tìm cách tận dụng lợi thế của Malaysia để phát triển công nghệ mới, đầu tư vào các sản phẩm bổ sung và tăng cường năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Hiện tại, Malaysia là một trung tâm toàn cầu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, với khoảng 7% tổng thương mại chất bán dẫn toàn cầu thông qua quốc gia này.
…đến những hạn chế dịch chuyển tăng cường EMCO
Bang Selangor và Kuala Lumpur nằm trong khu vực có số ca lây nhiễm cao nhất cả nước.

Do vậy, sau một tháng phong tỏa hoàn toàn, đến tháng 7/2021, hai khu vực này tiếp tục bị áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tăng cường (EMCO) kéo dài hai tuần, buộc phần lớn các công ty phải đóng cửa hoạt động, trừ những công ty sản xuất thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Tại bang Selangor, nơi có GDP khu vực cao nhất Malaysia, nhiều công ty điện tử, hóa chất và lắp ráp ô tô đã buộc phải đóng cửa hoàn toàn.
Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn đã được miễn các hạn chế nhưng thị trường linh kiện thụ động của Malaysia cho chất bán dẫn, bao gồm điện trở, tụ điện và cuộn dây, vẫn có nguy cơ gián đoạn.

Sự gián đoạn ở các nhà cung cấp cấp dưới do tình trạng thiếu lao động và bùng phát COVID-19 cục bộ có thể ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và có khả năng làm giảm hơn nữa mức tồn kho tại các nhà cung cấp linh kiện chính như Taiyo Yuden và Epson, những công ty sản xuất tụ gốm nhiều lớp (MLCC) được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm điện tử.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chuyên gia y tế công và dịch tễ học, Giáo sư – Tiến sỹ Malina Osman của Đại học Putra Malaysia, cho rằng trong bất kỳ đại dịch nào, việc hạn chế chính là việc chúng ta không thể hoạt động một cách bình thường nhất có thể, phần lớn các hoạt động không thể hoạt động ở tình trạng tốt nhất, còn xã hội mất đi phần lớn tương tác.

Bà Osman cho biết Malaysia mở cửa cho nhiều lĩnh vực nhưng vẫn phải đóng cửa đối với phần lớn công chúng, vì những lĩnh vực này buộc phải duy trì hoạt động, trong khi Malaysia nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục