Chuyên gia Malaysia cảnh báo về bẫy nợ công trong giai đoạn COVID-19

09:30' - 28/09/2021
BNEWS Do ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch, hoạt động kinh tế của Malaysia bị thu hẹp khiến tăng trưởng giảm tốc, nguồn thu từ thuế của chính phủ cũng đi xuống.

 

Nhằm có thêm nguồn tiền cho các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Malaysia buộc phải tiếp tục gia tăng mức thâm hụt tài chính, nhưng nếu không thận trọng sẽ bị rơi vào bẫy nợ công.  

Theo Giáo sư kinh tế Lâm Phúc Viêm thuộc Đại học Utara Malaysia, nhằm ứng phó với ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19, Chính phủ Malaysia đã đi trước một bước, lên kế hoạch nâng trần nợ công theo pháp định từ 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 65% GDP. 

Đây cũng là lần nâng trần nợ công theo pháp định liên tiếp trong 2 năm qua. Năm 2020, Malaysia đã nâng trần nợ công từ 55% GDP lên 60% GDP và lần nâng trần nợ công theo pháp định này rất có thể là nhằm ứng phó với tình hình thâm hụt tài chính trong Dự toán ngân sách năm 2022.

Nâng thêm 5% trần nợ công có thể giúp chính phủ có thêm bao nhiêu tiền? Năm 2020, GDP danh nghĩa của Malaysia là 1.415,2 tỷ RM (hơn 336 tỷ USD). Việc nâng thêm 5% GDP có nghĩa là chính phủ có thể vay mượn thêm 70,76 tỷ RM (gần 19 tỷ USD). 

Chính phủ vay thêm nợ là nhằm giúp những người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh, các giới trong xã hội cơ bản hiểu và ủng hộ hành động của chính phủ. Tuy nhiên, trong mắt các nhà kinh tế, câu chuyện chính phủ vay nợ cần phải được cân nhắc cẩn trọng.

Thông thường, kinh tế học cổ điển phản đối vay nợ quốc gia, cho rằng chính phủ vay nợ là can dự vào thị trường tự do, gây phương hại cho nền kinh tế. Khi chính phủ vay tiền của người dân, đồng tiền vốn được dùng vào sản xuất lại chảy về phía chính phủ và được sử dụng cho chi tiêu phi sản xuất của chính phủ, nên đồng tiền không thể tạo ra thêm thu nhập. 

Nói một cách đơn giản, lý thuyết vay nợ quốc gia của kinh tế học cổ điển cho rằng vay nợ quốc gia và vay nợ cá nhân không giống nhau. Người dân vay nợ là hành động lý tính, phục vụ cho sản xuất. Chính phủ vay nợ là hành động phi lý tính, phục vụ chi tiêu phi sản xuất. Tiền là tài nguyên hữu hạn, nên được sử dụng để tạo ra thêm thu nhập, thúc đẩy kinh tế phồn vinh, cho nên, chính phủ không nên vay nợ.

Kinh tế học cổ điển sùng bái thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản, tin rằng cánh tay vô hình của thị trường cũng chính là cơ chế điều hành giá cả trên thị trường, có thể giải quyết mọi vấn đề kinh tế. Vì thế, kinh tế học cổ điển phản đối vay nợ quốc gia, khuyến nghị cân bằng dự toán ngân sách và chính phủ không nên vay nợ can dự vào thị trường.

Ngoài ra, kinh tế học cổ điển còn tồn tại luận điểm khác về phản đối vay nợ quốc gia. Vào thế kỷ XVIII, nhà kinh tế học David Hume nhìn nhận việc vay nợ quốc gia như một “tế bào ung thư” sẽ gặm nhấm toàn bộ đất nước. Vì thế, các nước chỉ có hai lựa chọn, hoặc là không được vay nợ, hoặc là để các khoản nợ phá hủy đất nước.

Trong bài viết trên tờ Tinh Châu nhật báo, Giáo sư Lâm Phúc Viêm cho rằng các cách lý giải về vay nợ quốc gia nêu trên xem ra rất cực đoan, nhưng tư duy thúc đẩy các cách lý giải ấy đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Theo David Hume, khi đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính, chính phủ có hai lựa chọn để bù đắp thâm hụt. 

Một là tăng thuế. Người dân sẽ lập tức cảm thấy gánh nặng từ việc tăng thuế, từ đó giảm mức độ ủng hộ đối với chính phủ. Ở các quốc gia dân chủ, đây không phải là lựa chọn tốt. Hai là vay nợ. Vay nợ dễ dàng, nhanh chóng, đặc biệt là đối với các khoản vay dài kỳ, lãi suất thấp.

Quan trọng nhất là người dân không lập tức cảm nhận được gánh nặng của nợ quốc gia, cho rằng tình hình vẫn tốt như trước đây, thậm chí còn tốt hơn trước đây. Nói cách khác, tăng nợ công đối với chính phủ là một giải pháp.

Tuy nhiên, vay nợ cũng khiến chính phủ và người dân rất dễ "nghiện", không thể làm chủ được. Trong bối cảnh đó, chính phủ và người dân thường tiêu dùng quá mức, không biết tiết kiệm. Nợ quốc gia khuyến khích tiêu dùng xa xỉ, không chuyên tâm sản xuất khiến tương lai đất nước đi xuống.

Dự toán ngân sách Malaysia nhiều năm nay luôn ở trong tình trạng thâm hụt, nợ quốc gia không ngừng tăng lên, vì thế chính phủ cần bảo đảm chi tiêu của chính phủ hiệu quả, không lãng phí hay xa xỉ.

Đại suy thoái kinh tế thế giới năm 1929 cho thấy sự khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Thị trường không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp, không thể khiến kinh tế hồi phục từ suy thoái. Nhà kinh tế học JM Keynes chỉ rõ kinh tế suy thoái là do thiếu hụt về nhu cầu, tiêu dùng của gia đình và đầu tư của doanh nghiệp đều ở mức thấp nhất. 

Do kinh tế xuống dốc, thu nhập giảm sút, môi trường đầu tư không ổn định, nên không thể kích thích tiêu dùng của gia đình và đầu tư của doanh nghiệp. Hệ quả là thị trường mất đi năng lực tự điều chỉnh của mình, chỉ còn cách chính phủ tăng chi tiêu để nâng cao nhu cầu. 

Trong bối cảnh như vậy, chính phủ phải vay nợ thực hiện chính sách thâm hụt ngân sách tài chính. Vì vậy, nợ quốc gia cũng như vaccine có thể sử dụng để phòng chống suy thoái kinh tế. Các chuyên gia kinh tế vì thế đã thay đổi cách nhìn về nợ quốc gia từ chỗ coi nợ quốc gia có hại sang thành có ích.

Nợ quốc gia có hại là do tiền đi vay dùng cho lĩnh vực phi sản xuất dẫn tới tiêu dùng xa xỉ và lãng phí. Nợ quốc gia có ích là vì khi kinh tế suy thoái chỉ có chính phủ mới có thể gia tăng chi tiêu để kích thích kinh tế, bảo vệ tài nguyên đất nước, duy trì sức sản xuất. 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vay nợ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu nhìn về lâu dài, nợ chính phủ nên được sử dụng cho các dự án đầu tư lâu dài có lợi cho sức sản xuất, cải thiện năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của đất nước.

Theo Giáo sư Lâm Phúc Viêm, đồng thời với việc chính phủ vay nợ để ứng phó với dịch bệnh, cải cách chế độ thuế cũng rất quan trọng như áp dụng trở lại thuế tiêu dùng (GST) để tăng nguồn thu thuế của chính phủ, chăm lo cho phúc lợi của người dân. Tuy nhiên, việc liên tục tăng cường vay nợ có thể đẩy đất nước vào “bẫy nợ” và không mang tính khả thi; cải cách thuế mới là kế sách lâu dài để quản lý tài chính quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục