Chuyên gia: Hàn Quốc sẽ vẫn an toàn trước sự sụp đổ liên tiếp của các tổ chức tài chính nước ngoài

06:30' - 31/03/2023
BNEWS Các cổ phiếu ngân hàng của Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi hậu quả từ sự sụp đổ liên tiếp của các tổ chức tài chính nước ngoài.

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) số ra ngày 28/3, các cổ phiếu ngân hàng của nền kinh tế thứ 4 châu Á đang chịu ảnh hưởng bởi hậu quả từ sự sụp đổ liên tiếp của các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng Ba này đã bán phá giá cổ phiếu tài chính lớn tại đây là một "tác nhân" quan trọng.

Giám đốc điều hành của KB Financial Group (Công ty nắm giữ tài chính lớn nhất theo giá trị vốn hóa thị trường tại Hàn Quốc) Peter S. KimLogic được tờ The Korea Times dẫn lời nói rằng đằng sau "lý thuyết cá voi" là việc một con cá voi chết nổi lên sẽ dẫn các nhà hoạch định chính sách chấm dứt việc thắt chặt tiền tệ để ngăn chặn hiệu ứng lây lan. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, hàng chục năm giảm phát do toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ đã khiến các chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trở thành một lựa chọn mặc định cho các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với căng thẳng tài chính. Ngoài ra, phản ứng chậm chạp gây ra cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn vẫn còn mới trong ký ức của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bằng chứng là phản ứng tức thời. Tuy nhiên, một chính sách xoay trục ôn hòa có thể trở nên khó khăn hơn nhiều trong khoảng thời gian này với lần đầu tiên "con thú lạm phát bị xổng chuồng" kể từ những năm 1970. Quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất một lần nữa khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn thanh khoản làm nổi bật tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa lạm phát và khủng hoảng thanh khoản.

Dữ liệu từ Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KE) cho thấy các cổ phiếu tài chính lớn của "xứ sở kim chi" (như Tập đoàn tài chính Shinhan và Tập đoàn tài chính Hana) đã chịu mức lỗ hai con số từ ngày 2-24/3 vừa qua. Chỉ số KRX Bank Index (bao gồm 9 cổ phiếu tài chính và ngân hàng lớn tại đây) cũng giảm 9,46% trong cùng kỳ. Điều này được kích hoạt bởi một cuộc "di cư ồ ạt" ra nước ngoài sau sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ vào đầu tháng này. Mối lo ngại về thị trường do SVB gây ra leo thang hơn nữa sau khi các công ty tài chính khác bao gồm Credit Suisse (CS) và Deutsche Bank cũng bị "sa lầy" trong tình trạng hỗn loạn về khả năng rút tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc lại đưa ra nhận định rằng khả năng cuộc khủng hoảng ngân hàng nước ngoài sẽ có tác động dây chuyền nghiêm trọng hơn trong ngành tài chính Hàn Quốc là rất "mong manh".

Kim Dae-jong, Giáo sư Quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) cho biết: "Hầu hết các ngân hàng nước ngoài phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản gần đây đều tập trung vào tài chính doanh nghiệp song đây không phải là trường hợp của các công ty cho vay vốn tập trung vào lĩnh vực bán lẻ của Hàn Quốc. Đây là lý do tại sao các ngân hàng và tổ chức tài chính Hàn Quốc tương đối an toàn hơn so với những người cho vay ở nước ngoài trong giai đoạn khủng hoảng ngân hàng mang tính toàn cầu lần này".

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính được dự báo sẽ liên tục điều chỉnh giá trong một thời gian do việc khối ngoại bán ra ồ ạt. Các nhà đầu tư nước ngoài được xác định đã bán cổ phiếu của KB Financial Group trị giá 238 tỷ won (183 triệu USD) trong cùng kỳ. Họ cũng bán tháo số cổ phiếu của Shinhan trị giá 195 tỷ won đồng thời bán thêm cổ phần của 4 công ty nắm giữ tài chính lớn trị giá 554 tỷ won chỉ trong tháng 3 này như một phần của "quản lý rủi ro" trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng nước ngoài đang có nguy cơ tiếp tục lan rộng.

Nhà phân tích Cho Joon-ki của SK Securities (Hàn Quốc) cho biết: "Tâm lý của nhà đầu tư là yếu tố quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời điểm hiện tại. Các lĩnh vực bất động sản thương mại thường được đề cập là "mục tiêu tiếp theo" có thể bị ảnh hưởng bởi tác động từ hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư nên đặc biệt lưu ý trước khi đầu tư vào lĩnh vực này".

Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Hàn Quốc (KIRI) công bố mới đây cũng khẳng định khả năng Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu loại "khủng hoảng ngân hàng" ở nước ngoài này là "rất thấp" bởi các ngân hàng ở đây chịu sự quản lý chặt chẽ về rủi ro thanh khoản có thể xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục