Chuyên gia Thụy Sỹ nhận định về tiến trình cải cách WTO

06:30' - 03/03/2019
BNEWS Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang trong cơn khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết cải cách tổ chức này, song giải quyết tình hình thế nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trụ sở tổ chức WTO tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đại sứ Didier Cham Uppery, Trưởng Phái đoàn Thường trực Thụy Sỹ bên cạnh WTO, đã chia sẻ quan điểm về cải cách WTO. 

Năm 2018 được đánh dấu bởi một số thách thức đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại quốc tế nói chung. Căng thẳng gia tăng giữa một số cường quốc thương mại kéo theo sự gia tăng các biện pháp đối phó, từ đó làm ảnh hưởng đến phát triển thương mại. 

Về chức năng đàm phán của WTO, việc ký kết các thỏa thuận đa phương mới trở nên vô cùng khó khăn. Những khác biệt đáng kể vẫn tồn tại, đặc biệt là các vấn đề đang hiện hữu trong chương trình nghị sự của WTO, như nông nghiệp, dịch vụ và các sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh vấn đề các lợi ích khác nhau của các thành viên, không ít thành viên còn hoài nghi về năng lực đóng góp của thương mại vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

Để khắc phục những vướng mắc này, cần phải cải tổ WTO vừa nhằm mục đích cải thiện chức năng của tổ chức, vừa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên. Mặc dù vẫn chưa có sự đồng thuận về nội dung của một cải cách như vậy, nhưng việc thừa nhận sự cần thiết của cải cách đã được đề cập tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 12/2018. 

Những ý kiến, thảo luận về cải cách vẫn còn mang tính thăm dò và được tiến hành tại nhiều diễn đàn, đặc biệt trong khuôn khổ Sáng kiến của Canada, với sự tham gia tích cực của Thụy Sỹ. Những vấn đề này là trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng không chính thức do Thụy Sỹ tổ chức, quy tụ 32 thành viên WTO vào ngày 25/1/2019 tại Davos.

Trong khuôn khổ cải cách, vấn đề không chỉ là giải quyết khủng hoảng của cơ chế giải quyết tranh chấp, mặc dù đây là một ưu tiên. Thụy Sỹ cho rằng cần phải hiện đại hóa WTO, cho phép tổ chức này ngăn chặn các xu hướng bảo hộ và thích ứng với những thay đổi lớn trong cơ cấu và phương thức của thương mại quốc tế. 

Để làm được điều này, điều quan trọng là tăng tính minh bạch của các thủ tục và chính sách thương mại. Cải cách cũng cần xem xét các cách thức phân loại cam kết của các nước đang phát triển theo năng lực kinh tế tương ứng của mỗi thành viên.

Bên cạnh các vấn đề này, còn các thách thức khác trong chương trình nghị sự của năm nay, như đàm phán về việc xóa bỏ một số hình thức trợ cấp thủy sản, vốn đang góp phần dẫn đến tình trạng khai thác, đánh bắt cá quá mức, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Vấn đề hiện đại hóa các quy tắc cũng liên quan đến đàm phán các quy định mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thụy Sỹ và 75 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc - đã thông qua một tuyên bố về vấn đề này vào tháng 1/2019 tại Davos.

Hệ thống thương mại đa phương là một trong những trụ cột chính của chính sách kinh tế đối ngoại của Thụy Sỹ. WTO đảm bảo các điều kiện giao dịch thuận lợi và là công cụ tốt nhất để chống lại “luật của kẻ mạnh nhất”. 

Việc bảo vệ uy tín của WTO và cải thiện sự vận hành của bộ máy WTO là vấn đề cấp bách. Với quan điểm này, Thụy Sỹ đang tích cực tham gia vào các nỗ lực cải cách nhằm đạt được kết quả cụ thể, nhất là trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12, sẽ diễn ra vào tháng 6/2020 tại Astana (Kazakhstan)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục