Chuyển hướng thành công từ dòng thời trang đồng phục

08:00' - 04/03/2017
BNEWS Thị trường quần áo đồng phục và bảo hộ lao động nội địa đang mở ra những cơ hội đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Năm 2017, doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN.

Ngành dệt may đang ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chuyển hướng tích cực sang phát triển thị trường nội địa, đặc biệt về phân khúc quần áo đồng phục và bảo hộ lao động đầy tiềm năng.

Những doanh nghiệp đi tiên phong trong vấn đề này phải kể đến như Việt Tiến, Đức Giang, May 10… Các doanh nghiệp đã phát triển thành công dòng thời trang phục vụ thị trường trong nước.

Mỗi doanh nghiệp đã phát huy thế mạnh của riêng mình để tìm hướng đi mới và đã định vị được trong tâm trí người tiêu dùng…

Chẳng hạn như, Tổng công ty May 10 khá thành công trên thị trường nội địa với các dòng sản phẩm như: May 10 M Series, May 10 Series, May 10 Expert, May 10 Prestige, May 10 Classic, Pharaon Series, Pharaon Advancer, Pharaon Classic, Pharaon EX, Cleopatre, Eternity GrusZ…

Các sản phẩm mang thương hiệu May 10 hiện có mặt ở tất cả các kênh phân phối hiện đại với thiết kế thống nhất để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.
Các nhà thiết kế của Tổng Công ty này đã liên tục cho ra mắt các bộ sưu tập sơmi và veston nam, nữ với mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng đa dạng và giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, May 10 còn cho ra mắt dòng thời trang cao cấp phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân và giới văn nghệ sỹ…

Mặc dù, năm 2016 với tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp dệt may trong nước nhưng May 10 vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trên 10% so với năm trước.

Với phương châm “Người Việt Nam phải được dùng các sản phẩm tốt nhất do chính các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất” thời gian tới May 10 tiếp tục mở rộng kênh phân phối, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm. Đây sẽ là giải pháp chiến lược đồng thời là bí quyết thành công của May 10.
Còn Tổng Công ty May Việt Tiến đã thâm nhập vào lĩnh vực đồng phục y tế, đồng phục học sinh, một số ngành giao thông, xây dựng, ngân hàng…Tổng Công ty May Đức Giang đã sản xuất quần áo đồng phục và bảo hộ lao động cho một số khách hàng lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội…

Riêng đối với Tổng công ty May Nhà Bè – CTCP (NBC) đã tận dụng thế mạnh là đơn vị may mặc có nhiều dòng sản phẩm cao cấp phù hợp với giới công sở.

May Nhà Bè đã chọn riêng cho mình mảng thị trường may đồng phục để phục vụ nhu cầu tiêu dùng đối tượng là tại các cơ quan, công ty, xí nghiệp, ngân hàng... trong cả nước.

Theo đó, đơn vị đã chọn dòng thời trang thương hiệu Mattana để mở rộng phát triển thị trường may đồng phục. Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Chi nhánh phía Bắc, Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết, thương hiệu Mattana với nhiều mẫu mã đẹp phù hợp cho mọi lứa tuổi và nhãn hàng Mattana có các dòng sản phẩm sơ mi, quần tây được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất hiện nay, tạo đường nét tinh xảo cho sản phẩm.

“Mỗi bộ trang phục của NBC đều do chuyên gia thiết kế thời trang có kinh nghiệm của Việt Nam và nước ngoài cùng cộng tác sản xuất. Yếu tố này chính là sự kết hợp hài hòa giữa sự năng động, sáng tạo của nền văn hóa phương Tây và sự tinh tế, khéo léo của văn hóa phương Đông”- Bà Hiền nói.

Bà Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm, thương hiệu Mattana đã thu được những thành công lớn, đó là vào được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, thương hiệu Mattana đã giành thắng lợi khi hướng sang các thị trường như ngành bưu điện, các bệnh viện lớn và các ngân hàng trong nước và quốc tế, như: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam), Ngân hàng Hợp tác (Coop Bank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank),...

Trước đó, Nhà Bè rất thành công với bộ đồng phục của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, một trong những đơn hàng đóng góp doanh thu hơn 10 tỷ đồng cho đơn vị. Bên cạnh đó là những đơn hàng trang phục mang màu sắc đặc trưng riêng, phù hợp với từng đặc điểm thương hiệu của các đơn vị như Vietinbank, Vietcombank, VinGroup.. .


Hiện, Tổng công ty đã và đang nhận cung cấp đồng phục cho nhiều đơn vị khác như: các ngân hàng ACB, Navibank, HD Bank; các bệnh viện 115, 175; Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); Hãng hàng không Vietjet; Dầu khí Vũng Tàu; Tập đoàn Việt Long; trường phổ thông các cấp tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, May Nhà Bè cũng tung ra thị trường nhiều thương hiệu, sản phẩm chất lượng cao đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Việc khai thác thị trường đồng phục, mức tăng trưởng ở thị trường này trong năm 2016 tăng lên 25% so với năm 2015.

Hiện May Nhà Bè có 300 hệ thống chuỗi cửa hàng phủ đều khắp các tỉnh, thành phố lớn và các trung tâm Thương mại trên toàn quốc.

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với tổng cầu trong nước lên tới khoảng 40 triệu bộ quần áo/năm, để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng này là một hoạt động trong lộ trình của Tập đoàn nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa và thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trong điều kiện kinh tế thế giới còn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm, thì việc quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa là chiến lược quan trọng đối với các doanh nghiệp dệt may.

Vì vậy, các doanh nghiệp như May Nhà Bè cần liên kết tận dụng hết các thế mạnh trong ngành để đưa ra giá thành hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. /.
>>>Năm 2017, doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp khó khăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục