Doanh nghiệp dệt may đã đi vào sản xuất ổn định

09:34' - 13/02/2017
BNEWS Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, ngay từ những ngày đầu năm, tất cả lao động ngành dệt may đã bắt tay ngay vào lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra.
Các doanh nghiệp dệt may cũng đi vào sản xuất ổn định. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm-TTXVN

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện nay hầu hết các đơn vị trong ngành đều mở máy sản xuất như Tổng công ty May Đức Giang, Tổng công ty May Hưng Yên, Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định, Công ty cổ phần May Nam Định… Các doanh nghiệp dệt may cũng đi vào sản xuất ổn định, số lượng công nhân không biến động so với năm cũ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy về sản xuất năm nay có khả quan hơn năm trước, các doanh nghiệp năm nay có đơn hàng khá ổn định đến hết quý I và nhiều doanh nghiệp có đơn hàng hết quý II.

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, ngay từ những ngày đầu năm, tất cả lao động ngành dệt may đã bắt tay ngay vào lao động sản xuất với khí thế làm việc sôi nổi, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra cho năm 2017.

Tại Tổng Công ty May 10, hơn 12.000 cán bộ công nhân viên của Tổng công ty ở các đơn vị thành viên trực thuộc, đóng tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bắt tay ngay vào làm việc. Số lượng công nhân của công ty không biến động so với năm cũ và điều này cho thấy, năm nay sẽ tiếp tục là một năm kinh doanh hiệu quả và ổn định của Tổng công ty.

Năm nay, May 10 quyết tâm doanh thu đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 62,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 7,3 triệu đồng/người/tháng, chia cổ tức 15% trở lên.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như đóng góp của Tổng Công ty May 10 đối với sự phát triển kinh tế cũng như công tác an sinh xã hội trong nhiều năm qua. Đặc biệt năm 2016, trong tình hình kinh tế khó khăn, nhưng May 10 vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định và cải thiện hơn cuộc sống cho người lao động. Với những kết quả đạt được, May 10 là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành dệt may.

Hòa chung khí thế ra ra quân của người lao động trong ngành dệt may, tất cả cán bộ công nhân viên Nhà Máy Sợi Vinatex Nam Định đã có mặt đông đủ ngay từ ngày làm việc đầu tiên với khí thế hết sức sôi động và khẩn trương. Ông Lê Tiến Trường cũng đánh giá cao những nỗ lực của tất cả cán bộ công nhân viên công ty; trong đó có đội ngũ lãnh đạo trẻ, có trình độ chuyên môn và đầy nhiệt huyết.

Đội ngũ này đã đưa Nhà Máy Sợi Vinatex Nam Định vượt qua những khó khăn, thử thách trong năm 2016 và trong năm 2017, Nhà máy sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành kế hoạch được giao.

Còn tại Công ty cổ phần May Nam Định (Nagaco), ông Phạm Minh Đức, Giám đốc công ty cho biết, năm 2016, mặc dù ngành dệt may phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn ổn định sản xuất và hoàn thành kế hoạch được giao.

Hiện tại, công ty đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 6/2017 và nhiều xí nghiệp có đơn hàng đủ cả năm 2017. Chính vì vậy, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, công ty đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất đến toàn bộ cán bộ công nhân viên để hoàn thành các kế hoạch năm 2017.

Số lượng công nhân tại các doanh nghiệp dệt may không biến động so với năm cũ. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2016, thị trường dệt may thế giới có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành dệt may nhưng với sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên trong toàn hệ thống, Tổng công ty May Đức Giang đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Tổng công ty phấn đấu giữ chỉ tiêu tăng trưởng 10%.

Ông Hoàng Vệ Dũng Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên, Tổng Công ty đã đặt ra 6 nhóm giải pháp gồm: tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại và tăng cường làm hàng FOB, ODM và tập trung vào những sản phẩm trọng tâm; tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và phát triển các hệ thống phân phối.

Đồng thời, đầu tư mở rộng đi vào chiều sâu; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phù hợp với các đơn hàng mới. Ngoài ra, tiết kiệm chi phí, tăng quy mô và năng suất lao động./.

>>> Nhiều doanh nghiệp FDI thiếu lao động trầm trọng

>>> Lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM biến động ra sao sau kỳ nghỉ Tết?

>>> Về nơi có gần 100 cặp vợ chồng cùng là đồng nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục