CMSC chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ lên 6.800 tỷ đồng của PVFCCo

11:09' - 13/02/2025
BNEWS Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có văn bản thông qua phương án tăng vốn điều lệ của PVFCCo (mã chứng khoán DPM) từ mức 3.914 tỷ đồng hiện nay lên 6.800 tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có văn bản thông qua phương án tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) từ mức 3.914 tỷ đồng hiện nay lên 6.800 tỷ đồng.

Việc chấp thuận này dựa trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Thành viên Petrovietnam tại văn bản số 5730/DKVN-HĐTV ngày 9/8/2024 về phương án tăng vốn điều lệ của PVFCCo theo đề nghị của Người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại PVFCCo, tại các văn bản: số 2485/PBHC-NĐDPV ngày 18/12/2023, số 24-413/PBHC-NĐDPV ngày 13/3/2024, số 24-1449/PBHC-NĐDPV ngày 05/8/2024. 

Cụ thể, CMSC thông qua chủ trương về tăng vốn điều lệ của PVFCCo để Hội đồng thành viên Petrovietnam quyết định phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của PVFCCo theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật, các quy chế, quy định của Petrovietnam. 

 

Việc xác định nhu cầu, mức vốn điều lệ đến hết năm 2025 của PVFCCo đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của PVFCCo đến năm 2025.

Theo đó, nhu cầu, mức điều chỉnh tăng vốn điều lệ để đầu tư phát triển được xác định tương ứng với nguồn vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển ghi trong dự án đầu tư hình thành tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính và phục vụ trực tiếp ngành kinh doanh chính đã hoàn thành đầu tư và các dự án đã được phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư, thuộc danh mục dự án đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được Hội đồng thành viên Petrovietnam chấp thuận tại Nghị quyết số 1445/NQ-DKVN ngày 13/3/2023; nhu cầu, mức vốn điều chỉnh tăng vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng tăng quy mô doanh thu dự kiến đến năm 2025 so với năm 2023. 

CMSC yêu cầu Hội đồng thành viên Petrovietnam chỉ đạo rà soát, quyết định mức vốn điều lệ đến hết năm 2025 của PVFCCo và giám sát Người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại PVFCCo, PVFCCo thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện việc tăng vốn điều lệ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, các quy chế, quy định của Petrovietnam/PVFCCo, quản lý và sử dụng vốn đầu tư vào các dự án đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PVFCCo. 

Bên cạnh đó, Petrovietnam chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu; việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Petrovietnam tại PVFCCo đảm bảo hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn đầu tư theo quy định của pháp luật. 

Cùng đó, Petrovietnam tiếp tục rà soát, xây dựng phương án xử lý phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ theo các quy định hiện hành và ý kiến của CMSC tại các văn bản chấp thuận báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo giám sát tài chính định kỳ của Petrovietnam, ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt đối với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế để đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và lợi ích Petrovietnam tại PVFCCo. 

Ngoài ra, Hội đồng thành viên Petrovietnam, Người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại PVFCCo chịu trách nhiệm toàn diện về tính trung thực, chính xác của số liệu, các báo cáo, hồ sơ tài liệu, thông tin cung cấp, kết quả thẩm định phương án tăng vốn điều lệ của PVFCCo. 

Trước đó, Hội đồng Thành viên Petrovietnam đã ra Nghị quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ của PVFCCo từ mức 3.914 tỷ đồng hiện nay lên mức 6.800 tỷ đồng (vốn điều lệ tăng thêm: 2.886 tỷ đồng). Nguồn tăng Vốn điều lệ được lấy từ Quỹ Đầu tư Phát triển. Thời gian thực hiện trong năm 2025. 

Năm 2024, mặc dù doanh thu của PVFCCo đạt 13.496 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,54% so với năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 574 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch và tăng 1% so với năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng bán ra gia tăng và biên lợi nhuận cải thiện từ 12% lên 13%.

Trên bảng cân đối kế toán tính đến cuối năm 2024, PVFCCo nắm giữ 12.500 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 10.000 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn chỉ ở mức gần 5.000 tỷ đồng, với vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 3.400 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty vẫn được giữ nguyên ở mức 3.914 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, triển vọng kinh doanh của PVFCCo được đánh giá rất tích cực. Một trong những yếu tố quan trọng là giá đạm ure trên thị trường quốc tế đã tăng 19,26% từ đầu năm đến nay. Xu hướng này nếu được duy trì sẽ hỗ trợ đáng kể cho biên lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, việc áp dụng thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón từ tháng 7/2025 sẽ giúp PVFCCo không chỉ cải thiện biên lợi nhuận mà còn có dư địa để điều chỉnh giảm giá bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng 13/2, cổ phiếu DPM của PVFCCo đang trong xu hướng tăng và giao dịch quanh mốc 35.750 đồng/cổ phiếu.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục