Có 13 dự án được đề cử trao Chứng nhận LOTUS tại Tuần lễ Công trình xanh 2022

15:33' - 13/10/2022
BNEWS Sau hơn 10 năm phát triển, số công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt trên 200 với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng công trình đang vận hành.

Theo Bộ Xây dựng, có hơn 20 dự án đạt Chứng nhận EDGE - một hệ thống chứng nhận công trình xanh dành cho các thị trường mới nổi của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) và LOTUS - hệ thống chứng nhận công trình xanh được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thành viên Hội đồng Công trình xanh Thế giới (WorldGBC) được đề cử trao Chứng nhận tại Tuần lễ Công trình xanh 2022. Trong số này có 13 dự án đạt Chứng nhận LOTUS.

Đứng trước những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng, xu hướng phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiêm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động kinh tế xã hội; trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng.

Các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zon, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tại Hội nghị COP 26 cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Nghị định 06, đối với các tòa nhà có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên thì phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các cơ sở phát thải nhiều khí nhà kính cũng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển trên thế giới và khu vực, trình độ công nghệ, nhân lực, quản lý, thiết bị, kỹ thuật xây dựng, điều kiện tiện nghi các công trình ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình với tổng diện tích  khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Đó là thách thức lớn khi cái đích năm 2050 chỉ còn hơn 27 năm.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) tại Việt Nam cho rằng, các thành phố và tòa nhà cũng chính là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Nếu các thành phố và tòa nhà được xanh hóa với giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả thì có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Việc tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong phát triển nhóm công trình này, hướng tới tiết kiệm năng lượng. Thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu, vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được khi nâng cao nhận thức, năng lực của các chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, cán bộ nghiệm thu.

Tiến sỹ Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, mục tiêu giảm phát thải không chỉ là lời nói, mà đã là con số được định lượng một cách khoa học, được quốc tế công nhận và Chính phủ giao cho các bộ, ngành. Với ngành Xây dựng, một trong ba lĩnh vực giảm phát thải và phải được kiểm kê là các tòa nhà mà trước mắt là những tòa nhà thương mại có tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE.

Do đó, việc triển khai xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình hiện có đạt tiêu chí của công trình xanh (giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường…) là một trọng tâm của ngành xây dựng trong thời gian tới. Với các chương trình hành động thiết thực, ngành xây dựng đang tích cực hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục