Cơ chế lưu thông đảm bảo chất lượng nông sản của Việt Nam còn yếu

19:52' - 27/09/2016
BNEWS Nông nghiệp Việt Nam có năng suất thấp, chất lượng thấp, cơ chế lưu thông của chuỗi cung ứng lạnh chưa hoàn chỉnh nên chưa phát huy được thế mạnh nông nghiệp.
Cơ chế lưu thông đảm bảo chất lượng nông sản của Việt Nam còn yếu. Ảnh minh họa: Văn Khánh/TTXVN

Tại “Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản tổ chức chiều 2/9, tại Hà Nội, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam cam kết sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Trong đó, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Quyết định 1291/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030; Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Quyết định 575/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020, định hướng 2030. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng dự thảo Nghị định thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nông thôn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn gợi ý, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư trực tiếp vào các ngành công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào như máy móc, thuốc trừ sâu, phân bón; công nghiệp phụ trợ; chế biến; đầu tư phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có thể đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thuê lại hoặc theo hình thức đối tác công tư vào thủy lợi, hạ tầng lâm nghiệp, cảng cá, bảo vệ môi trường… Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản có thể liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng cánh đồng lớn, liên kết với nông dân, hợp tác xã; xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh và thương hiệu cho thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Shimose Kosaburo, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng nông nghiệp Việt Nam có năng suất thấp, chất lượng thấp, cơ chế lưu thông của chuỗi cung ứng lạnh chưa hoàn chỉnh nên chưa phát huy được thế mạnh nông nghiệp. Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm, có giải pháp chi tiết giải quyết từng vấn đề cụ thể ở từng vùng miền.

Theo ông Shimose Kosaburo, “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” thực hiện giai đoạn 2015 - 2019 sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, Nghệ An sẽ là địa phương được chọn thí điểm thông qua việc cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi đã bị xuống cấp và xây dựng cơ chế sản xuất rau an toàn, nâng cao năng suất trồng trọt thức ăn chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp…

Về chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm, địa phương sẽ thực hiện thí điểm là Lâm Đồng. Theo đó sẽ sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao phù hợp với nhu cầu trong và ngoài nước. Xây dựng đủ cơ sở gia công thực phẩm hay thu gom, phân loại, lưu kho nông sản. Xem xét thực hiện gắn kết nông nghiệp với du lịch, xây dựng khu sản xuất nông nghiệp, cải thiện cơ chế lưu thông nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản…

Để cải thiện lưu thông, dây chuyền lạnh sẽ chọn ở vùng ngoại ô các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân xây dựng kho lạnh, đông lạnh và các hệ thống lưu thông ở nhiệt độ thấp. Xây dựng cơ chế quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phẩm dựa trên Luật An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” còn xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm thiểu xâm nhập mặn, nghiên cứu giảm thiểu khí thải hiệu ứng nhà kính từ khu vực trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Trong phiên thảo luận cấp Chính phủ trước diễn đàn, Việt Nam và Nhật Bản đều mong muốn cùng tháo gỡ những vướng mắc trong kiểm dịch thực vật. Cụ thể, Nhật Bản đề nghị Việt Nam xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu lê của Nhật Bản. Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thanh long ruột đỏ, nhãn và vải của Việt Nam.

Sau khi Việt Nam bỏ lệnh cấm nhập khẩu táo từ Nhật Bản, đến tháng 8/2016, Nhật Bản đã xuất khẩu được 21 tấn, trị giá gần 12 triệu Yên.

Đến nay, Nhật Bản có 41 dự án thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 211 triệu USD. Các tỉnh thành phố có dự án gồm: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Sơn La, Bình Thuận, Quảng Ninh, Phú Yên, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục