Cơ chế nào thúc đẩy kinh tế tuần hoàn?

16:39' - 15/06/2024
BNEWS Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn để thể hiện trách nhiệm quốc gia tại các cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 7/6/2022, đã đưa ra lộ trình, định hướng phát triển với các mục tiêu cụ thể về tái chế rác thải, chất thải nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, mang lại các lợi ích kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cụ thể về xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Để cùng nhìn nhận rõ hơn về tiến trình xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hiện thực hoá đề án quan trọng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phóng viên (PV): Thưa ông, sau gần 2 năm Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được phê duyệt, đâu là những bước tiến quan trọng trong phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Quyết tâm và tư duy mở hướng mạnh mẽ tới khía cạnh “kinh tế” trong kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan trọng, từ đó hướng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn theo hướng tổng thể thống nhất, trên cả bình diện quốc gia, cùng với việc định hướng xây dựng một hệ thống khung khổ chính sách, pháp lý và tiêu chí hoàn chỉnh.

Các nhóm chính sách quan trọng đang được các bộ ngành vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh hoàn thiện như chính sách ưu đãi thuế; chính sách đất đai; chính sách phân loại xanh; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, không nên thực hiện đại trà, đồng nhất cho cả nền kinh tế, nếu đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm (như nông nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng), Việt Nam có thể triển khai sớm, có tính dẫn dắt, tạo tác động và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhanh và rõ ràng.

Thêm vào đó, với nền kinh tế có nhiều ngành nghề vẫn sử dụng nhiều tài nguyên, Việt Nam tiến hành chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn đã mang lại nhiều cơ hội đa dạng hóa kinh tế và tiếp cận các thị trường có giá trị cao hơn. Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam đã bước đầu tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhiều công nghệ xanh đã được doanh nghiệp trong nước mạnh dạn học hỏi, tiếp nhận chuyển giao.

PV:Từ thực tế triển khai Đề án, theo ông đâu là các khó khăn, thách thức chủ yếu trong việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn để thể hiện trách nhiệm quốc gia tại các cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng. Đồng thời tạo thị trường, cơ hội việc làm mới, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu đang có dấu hiệu đứt gãy do bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh trên thế giới thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến năng lực nội tại của doanh nghiệp, nhân tố động lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, hoạt động không đều trên các lĩnh vực, ngành nghề, trình độ quản trị và công nghệ còn kém, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác... dẫn đến khó có thể tự vận hành hiệu quả được đầy đủ hoạt động có tính chu kỳ của mô hình kinh tế tuần hoàn, cần sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp. Đa số mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay có tính chất đơn lẻ, rời rạc, vòng nhỏ, hiệu quả chưa cao, chưa phát triển rộng cũng như chưa tận dụng tối đa các nguồn lực của nền kinh tế.

Thêm nữa, doanh nghiệp Việt thiếu động lực để chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là khi mối liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ, thu hồi, tái chế sản phẩm... ở trong nước còn yếu. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp đang vận hành tốn nhiều chi phí để thiết kế lại hoạt động, mua công nghệ, đào tạo lại nhân lực, thay đổi đối tác.... Điều này làm giảm động lực chuyển đổi của doanh nghiệp.

Mặt khác, nhận thức về kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng còn hạn chế đối với doanh nghiệp, người dân. Việc tiếp cận thông tin, công tác tuyên truyền, chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về những mô hình kinh doanh tuần hoàn còn hạn chế. Khung chính sách khuyến khích, hỗ trợ và pháp lý cho các yếu tố của kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực cụ thể có tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, các văn bản, nội dung còn thiếu hệ thống, cụ thể, tính đồng bộ và ổn định thấp.

PV:Thưa ông, đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có nhấn mạnh đến đối thoại công-tư và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tăng cường đối thoại công – tư về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Chính phủ cần tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế phải là sự tăng trưởng bền vững, đồng hành với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Chính phủ cần có các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp về khung khổ chính sách để kịp thời đưa ra những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp.

PV:Thưa ông, nhiều chuyên gia cho rằng việc sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có bước đột phá về nhận thức trong đầu tư, quản lý mà còn đòi hỏi phải có một nguồn lực tài chính đủ mạnh. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp vận hành tốn nhiều chi phí để thiết kế lại hoạt động, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi, mạng lưới sản xuất nhằm đảm bảo một chu trình khép kín, mua công nghệ, đào tạo nhân lực, thay đổi đối tác... Đây là những cản trở lớn không chỉ ở khâu sản xuất mà còn ở khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, trong khi sản phẩm từ mô hình kinh tế tuần hoàn hiện vẫn khó cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã... so với sản phẩm sử dụng nguyên liệu thô. Điều này làm giảm động lực chuyển đổi của doanh nghiệp. Vì vậy cần có những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp.

Đổi lại, doanh nghiệp cũng cần có sự nhìn nhận, tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực hướng đến mục tiêu mở ra thị trường mới tiềm năng có giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh, động lực nâng cao chất lượng quản trị, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.

PV: Theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Vậy khi nghị định này được thông qua sẽ có tác động gì đến việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thưa ông?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, vì vậy cách tiếp cận truyền thống để hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan chưa đủ. Thêm nữa, tác động của chính sách luôn có độ trễ, do đó, cơ quan quản lý không nên tiếp cận dàn trải mà cần có những chính sách thúc đẩy mang tính đột phá, kịp thời cho một số lĩnh vực ưu tiên, có tính tác động và mang lại lợi ích lớn, rõ ràng.

Nghị định đã đề xuất tập trung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và vật liệu xây dựng. Những ngành này tạo không gian đủ rộng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn gắn với liên kết đầu vào – đầu ra giữa các ngành, ứng dụng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, tăng lợi nhuận, giá trị gia tăng và năng suất. Các ngành này cũng cần động lực lớn từ mô hình kinh tế tuần hoàn để nhanh chóng tái cơ cấu và phục hồi tăng trưởng hiệu quả trong thời gian tới.

PV: Là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI có các đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thưa ông?

Giám đốc Nguyễn Tiến Huy: Là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã tham gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035, Hội đồng Chính sách Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất… 10 năm trước, thông qua các hoạt động quan hệ quốc tế, khảo sát thị trường, hội nghị, hôi thảo và đào tạo, VCCI đã chia sẻ, phổ biến những mô hình kinh doanh tuần hoàn tới cộng đồng doanh nghiệp; nghiên cứu về năng lực áp dụng kinh tế tuần hoàn trong một số lĩnh vực cụ thể như ngành hàng tiêu dùng nhanh; nghiên cứu đề xuất xây dựng sàn giao dịch vật liệu thứ cấp...

Trong lĩnh vực phát triển bền vững, VCCI cũng đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững; xây dựng và hoàn thiện Bộ Chỉ số bền vững áp dụng cho cấp độ Doanh nghiệp như một bộ công cụ giúp doanh nghiệp thực hành kinh doanh bền vững, lồng ghép các khung tiêu chí ESG.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục